Phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc quy định tại khoản 2 Điều 250
a) Có tổ chức
Cũng như trường hợp phạm tội có tổ chức khác, phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có tổ chức là trường hợp có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.
Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tổ chức thường được biểu hiện như: chuẩn bị kho, bãi chứa hàng, tổ chức mạng lưới tiêu thụ, làm giả giấy tờ, mua hóa đơn, chứng từ, mua chuộc cán bộ có chức vụ, quyền hạn để tiêu thụ tài sản dễ dàng,...
b) Có tính chất chuyên nghiệp
Cũng tương tự như trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khác, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có tính chất chuyên nghiệp là người phạm tội lấy việc chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là nguồn sống chính cho mình.
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn
Đây là trường hợp người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà tài sản họ chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị lớn. Do chưa có hướng dẫn tài sản, vật phạm pháp có giá trị bao nhiêu thì được coi là lớn nên có thể tham khảo các quy định của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm sở hữu để xác định tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn. Ví dụ: chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và tình tiết này được quy định trong cùng một khung hình phạt với tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng trong một số tội xâm phạm sở hữu nên có thể coi tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng là tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn.
d) Thu lợi bất chính
Trường hợp phạm tội này có thể coi tương tự như trường hợp phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thu lợi bất chính lớn nên có thể vận dụng Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn trường hợp thu lợi bất chính lớn đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
đ) Tái phạm nguy hiểm
Tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm đối với người phạm tội khác, người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm. chưa được xóa án tích mà lại phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Như vậy, người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm chỉ có thể là trường hợp đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vì nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa ánh tích mà lại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 250 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 của điều luật đó.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới hai năm tù hoặc được chuyển sang hình phạt cải tạo không giam giữ, nếu thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến bảy năm tù.
Thư Viện Pháp Luật