Phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thuộc quy định tại khoản 3 điều 250
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ khác là tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị rất lớn.
Được coi là tài sản, vật phạm pháp mà người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ có giá trị rất lớn là trường hợp tài sản, vật phạm pháp có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
b) Thu lợi bất chính rất lớn
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 của điều luật, chỉ khác là do chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có mà người phạm tội thu lợi bất chính rất lớn.
Được coi là thu lợi bất chính rất lớn do hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có từ mười lăm triệu đồng đến dưới bốn mươi lăm triệu đồng.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, nếu chỉ thuộc một trong hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, thì có thể được áp dụng hình phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới hai năm tù. Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp nhưng tập trung nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 của điều luật và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến mười năm tù.
Thư Viện Pháp Luật