Thủ tục xử phạt đối với phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ được pháp luật quy định như thế nào?
Ban biên tập xin trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/08/2016 thì:
"1. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo các Điểm, Khoản tương ứng của Điều 30 Nghị định này.
2. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện.
3. Đối với những hành vi vi phạm mà cùng được quy định tại các Điều khác nhau của Chương II Nghị định này, trong trường hợp đối tượng vi phạm trùng nhau thì xử phạt như sau:
a) Hành vi quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 16, Điểm đ Khoản 1 Điều 19 và hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều 30, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm b Khoản 8 Điều 30 của Nghị định này;
b) Hành vi quy định tại Điểm e Khoản 5 Điều 16, Điểm c Khoản 2 Điều 19 và hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 30, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 30 của Nghị định này;
c) Hành vi quy định tại Điểm g Khoản 5 Điều 23, Khoản 3 Điều 24 và hành vi vi phạm quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 28, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 28 của Nghị định này;
d) Hành vi quy định tại Điểm d, Điểm đ Khoản 6 Điều 23; Điểm b, Điểm c Khoản 5 Điều 24 và hành vi vi phạm quy định tại Điểm d Khoản 8 Điều 30, trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm d Khoản 8 Điều 30 của Nghị định này;
đ) Hành vi thu tiền vé cao hơn quy định (tại Điểm m Khoản 3 Điều 23, Khoản 2, Khoản 3 Điều 31) và hành vi không thực hiện đúng nội dung đã đăng ký, niêm yết về giá cước (tại Điểm d Khoản 4 Điều 28), trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc chủ phương tiện là nhân viên phục vụ trên xe thì bị xử phạt theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 28 của Nghị định này;
e) Các hành vi vi phạm quy định về chở hàng siêu trường, siêu trọng, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định (tại Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 33) và các hành vi vi phạm tương ứng (tại Điều 30), trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện thì bị xử phạt theo quy định đối với chủ phương tiện tại Điều 30 của Nghị định này.
4. Đối với những hành vi vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện, của cầu, đường được quy định tại Điều 24, Điều 33 của Nghị định này, trong trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vừa thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 24, vừa thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm; đối với những hành vi vi phạm được quy định tại Điểm d Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5, Điểm a Khoản 6 Điều 33 của Nghị định này, trong trường hợp chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vừa thực hiện hành vi vi phạm quy định về tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ) của xe, vừa thực hiện hành vi vi phạm quy định về tải trọng trục xe thì bị xử phạt theo quy định của hành vi vi phạm có mức phạt tiền lớn hơn.
5. Chủ phương tiện bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này là một trong các đối tượng sau đây:
a) Cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe;
b) Trường hợp người điều khiển phương tiện là chồng (vợ) của cá nhân đứng tên trong Giấy đăng ký xe thì người điều khiển phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
c) Đối với phương tiện được thuê tài chính của tổ chức có chức năng cho thuê tài chính thì cá nhân, tổ chức thuê phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
d) Đối với phương tiện thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã và được hợp tác xã đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì hợp tác xã đó là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
đ) Đối với phương tiện thuê của tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản và được tổ chức, cá nhân thuê phương tiện đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thì tổ chức, cá nhân đã thuê và đứng tên làm thủ tục đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho phương tiện là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện;
e) Đối với phương tiện chưa làm thủ tục đăng ký xe hoặc đăng ký sang tên xe theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được Điều chuyển, được thừa kế tài sản thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được Điều chuyển, được thừa kế tài sản là đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện.
6. Khi xử phạt đối với chủ phương tiện quy định tại Khoản 5 Điều này, thời hạn ra quyết định xử phạt có thể được kéo dài để xác minh đối tượng bị xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 60 ngày.
7. Trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.
8. Người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, thông số kỹ thuật của phương tiện được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ở lần kiểm định gần nhất (bao gồm cả trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn sử dụng) hoặc được lưu trữ tại cơ sở dữ liệu của cơ quan đăng kiểm phương tiện để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm đối với cá nhân, tổ chức khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này.
9. Việc xác minh để phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 5 Điều 30 Nghị định này chỉ được thực hiện thông qua công tác Điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông gây hậu quả từ mức nghiêm trọng trở lên; qua công tác đăng ký xe."
Thư Viện Pháp Luật