Xin giúp mẩu đơn bảo lảnh người thân
Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn được quy định trong BLTTHS do người có thẩm quyền áp dụng để thay thế biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo. Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn ít nghiêm khắc hơn tạm giữ, tạm giam, được áp dụng trong trường hợp không cần thiết phải tạm giam, nhưng thấy cần phải ngăn ngừa bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.
Theo đó, khi ra quyết định bảo lĩnh đối với bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân của họ.
Đối tượng được áp dụng biện pháp này thường là bị can, bị cáo phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn hoặc bị can, bị cáo ốm đau.
Theo thông tin bạn cung cấp thì chị gái bạn thuộc trường hợp phạm tội lần đầu, lại bị bệnh tim và tụt canxi, trong thời gian tạm giam đã có lần phải đi cấp cứu. Căn cứ vào những điều này, chị gái bạn có thể thuộc trường hợp được bảo lĩnh theo quy định của pháp luật. Việc bảo lĩnh không có yếu tố nào ràng buộc bất lợi với bị can, bị cáo mà chỉ cần người bảo lĩnh bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS năm 2003: Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong trường hợp đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm. Theo đó thì nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra không đủ chứng cứ buộc tội thì CQĐT sẽ ra quyết định đình chỉ điều tra và gửi quyết định đình chỉ này cho VKS. Theo khoản 4 Điều 164: “Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.”
Theo quy định tại khoản 2 Điều 120: “2. Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc huỷ bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá một tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá hai tháng và lần thứ hai không quá một tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, lần thứ nhất không quá ba tháng, lần thứ hai không quá hai tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam ba lần, mỗi lần không quá bốn tháng.”
Như vậy, pháp luật chỉ quy định việc gia hạn đối với thời hạn tạm giam của bị can, bị cáo theo đúng trình tự, thủ tục.
Theo quy định tại Điều 254 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 về Tội chứa mại dâm thì khung hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm.
Khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định khung hình phạt thấp nhất như sau: “Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”
Thư Viện Pháp Luật