Dựng màn kịch bị bắt cóc để tống tiền bố mẹ, phạm tội gì?
Hành vi của các đối tượng là nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm đến quan hệ sở hữu được pháp luật bảo vệ, đã có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo đó, người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Ngoài những dấu hiệu về chủ thể phải đủ năng lực hành vi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội cưỡng đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt là yếu tố bắt buộc trong cấu thành của tội này. Tội cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 135, Bộ luật Hình sự có hành vi khách quan “đe doạ sẽ dùng vũ lực…” là hành vi dọa sẽ gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng trong tương lai nếu không thoả mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.
Khác với tội cướp tài sản “đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc” thì tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa “sẽ dùng vũ lực” tức là dùng vũ lực trong tương lai, có khoảng cách về thời gian. Trong trường hợp của vụ việc này các đối tượng đã dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần đối với ông Liêm và bà Vân bằng việc sẽ sát hại Nguyễn Cao Cường nhằm ép ông Liêm, bà Vân phải đưa tiền cho mình.
Điều này thỏa mãn dấu hiệu phạm tội của tội cưỡng đoạt tài sản. Ở đây, trong vụ việc này, người bị đe dọa, uy hiếp tinh thần là ông Liêm và bà Vân còn có điều kiện, thời gian để báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xử lý trước khi hành vi chiếm đoạt xảy ra.
Như vậy, trong vụ việc này, hành vi của các đối tượng đã sử dụng là đe dọa sát hại người thân để buộc nạn nhân phải nộp tiền, đây là hành vi uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định trong tội cưỡng đoạt tài sản. Cụ thể,Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản
1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Do vụ việc được phát hiện kịp thời, cơ quan công an đã kịp thời can thiệp nên trên thực tế, các đối tượng chưa chiếm đoạt được số tiền 800 triệu đồng, nên thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt. Điều 18, Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân chủ quan ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.
Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, để kết luận chính xác có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không, cần phải căn cứ vào kết luật điều tra, xác minh cuối cùng của các cơ quan chức năng. Đây là vụ việc có tính chất đồng phạm nên trong trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự, cả 3 đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cùng một tội với các vai trò tham gia khác nhau, ví dụ như người chủ mưu, người thực hành…
Thư Viện Pháp Luật