Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả
Điều 180 Bộ luật hình sự quy định: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
Phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mục 3 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17-4-2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự năm 1999 như sau:
Tiền giả bao gồm tiền Việt Nam đồng giả và ngoại tệ giả; ngân phiếu, công trái của Việt Nam hoặc của nước ngoài phát hành, nhưng có giá trị thanh toán tại Việt Nam. Đối với tội làm tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (sau đây gọi chung là tiền giả): nếu tiền giả có trị trá tương ứng dưới ba triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180 Bộ luật hình sự; Nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ ba triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng tiền Việt nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật hình sự; nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên cần phân biệt: nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ năm mươi triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng tiền Việt Nam là thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng tiền Việt Nam trở lên là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (sau đây gọi chung là tiền giả): nếu tiền giả có giá trị tương ứng dưới mười triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 180Bộ luật hình sự; nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ mười triệu đồng đến dưới một trăm triệu đồng tiền Việt Nam thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 180 Bộ luật hình sự; nếu tiền giá có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng tiền Việt Nam trở lên thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 180 Bộ luật hình sự.
Tuy nhiên cần phân biệt: nếu tiền giả có trị giá tương ứng từ một trăm triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam là thuộc trường hợp rất nghiêm trọng; nếu tiền giả có giá trị tương ứng từ một trăm năm mươi triệu đồng tiền Việt Nam trở lên là thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.
Đối với người nhiều lần làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả thì cần phải lấy tổng số lượng tiền giả của tất cả các lần phạm tội cộng lại để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ; nếu trong các lần phạm tội đó có trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không xem xét trách nhiệm hình sự đối với trường hợp đó (không cộng số lượng tiền giả của lần phạm tội đó); nếu có hai lần phạm tội làm hoặc tàng trữ hoặc vận chuyển hoặc lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công tría giả trở lên thì ngoài việc cộng số lượng tiền giả của các lần phạm tội để xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ, còn phải áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48Bộ luật hình sự.
Thư Viện Pháp Luật