Hỏi về đất đai bị phát mại

Tôi và chồng tôi đã có quyết định ly hôn vào đầu năm 2011, tài sản đáng lý là tự thỏa thuận nhưng ông ta không chịu chia nên tách ra thành vụ án tranh chấp tài sản. Đầu năm 2009 ông ta có vay ngắn hạn đất là tài sản chung nhưng không có chữ ký của tôi từ Ngân hàng để làm ăn. Năm 2010 và 2011 ông ta cũng tiếp tục vay ngắn hạn mà ko có chữ ký của tôi nhưng ngân hàng vẫn cho phép. Cuối năm 2011 ông ta ko trả lãi và vốn cho ngân hàng. Ngân hàng bây giờ kiện đòi phát mại 1 nửa khu đất đó hoặc phát mại khu đất đó rồi chia cho tôi nửa số tiền sau khi đã trừ đi chi phí phát mại và kêu tôi chọn phương án nào? vậy Nh làm vậy có sai hay không? Nếu sai thì tố cáo ở đâu?

Nội dung bạn hỏi được quy định tại Luật thi hành án dân sự như sau:

"Điều 74. Cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung
1. Trước khi cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, kể cả quyền sử dụng đất, Chấp hành viên phải thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế. 
Chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của họ đối với tài sản chung. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu chủ sở hữu chung không khởi kiện thì người được thi hành án hoặc Chấp hành viên có quyền yêu cầu Toà án xác định phần sở hữu của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để bảo đảm thi hành án.
Đối với tài sản thuộc quyền sở hữu chung của vợ, chồng thì Chấp hành viên xác định phần sở hữu của vợ, chồng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình và thông báo cho vợ, chồng biết. Trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý thì có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án phân chia tài sản chung trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được Chấp hành viên xác định. Hết thời hạn trên, đương sự không khởi kiện thì Chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ hoặc chồng của người phải thi hành án giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
2. Tài sản kê biên thuộc sở hữu chung đã xác định được phần sở hữu của các chủ sở hữu chung được xử lý như sau:
a) Đối với tài sản chung có thể chia được thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế phần tài sản tương ứng với phần sở hữu của người phải thi hành án;
b) Đối với tài sản chung không thể chia được hoặc nếu việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với toàn bộ tài sản và thanh toán lại cho chủ sở hữu chung còn lại giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
3. Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản.
Điều 75. Xử lý đối với tài sản khi cưỡng chế có tranh chấp
Trường hợp cưỡng chế đối với tài sản của người phải thi hành án mà có tranh chấp với người khác thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế và yêu cầu đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Chấp hành viên xử lý tài sản đã kê biên theo quyết định của Toà án, cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Chấp hành viên yêu cầu mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Toà án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì tài sản được xử lý để thi hành án theo quy định của Luật này.".
        Như vậy, theo quy định của pháp luật thì bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án phân chia tài chung trong thời hạn 30 ngày. Hết thời hạn đó bạn không khởi kiện thì Chấp hành viên có quyền xử lý tài sản để thi hành án và thanh toán giá trị cho bạn,. Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn được quyền ưu tiên mua tài sản đó.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào