Quyền thừa kế sau khi đã có di chúc!

Bố tôi và anh trai tôi hiện đang đứng tên 1 căn nhà. Mẹ tôi đang ở với chị gái tôi và không đứng tên bất cứ tài sản nào cả. Bố Mẹ tôi có hôn thú hợp pháp. Nay, anh trai tôi chuyển công tác sang T.Phố khác sinh sống nên lo ngại việc Bố phải ở một mình. Anh trai tôi và Bố cùng đồng ý thoả thuận bán căn nhà hiện tại, đưa một nửa số tiền bán nhà cho tôi. Tôi sẽ nhập với số tiền hiện có của mình để mua căn nhà có giá trị gấp 4 lần giá trị số tiền Bố đưa. Tuy nhiên, Bố yêu cầu được quyền đứng tên căn nhà cùng với vợ chồng tôi và cam kết sẽ viết tờ di chúc "Sau khi Bố mất, phần tài sản đứng tên trong căn nhà mới mua này của Bố sẽ thuộc về các con". Nhưng, chồng tôi không đồng ý, vì Bố tôi có 7 người con, mỗi người có hoàn cảnh sống khác nhau. Nếu sau này Bố tôi thay đổi ý định, viết lại tờ di chúc hoặc các anh em còn lại đòi quyền thừa kế thì vợ chồng tôi sẽ gặp rắc rối với căn nhà mà phần lớn giá trị là do chúng tôi bỏ tiền mua. Xin hỏi Luật sư: 1. Bố tôi có quyền đơn phương viết di chúc (nếu đứng tên một phần trong căn nhà mới mua), khi Mẹ tôi vẫn còn sống? 2. Bố tôi có quyền thay đổi tờ di chúc sau này không? Có loại di chúc "một chiều" nào không được phép thay đổi nội dung không? 3. Nếu tôi có tờ di chúc hợp pháp, sau này Bố mất, hoặc Mẹ mất, anh em trong gia đình có quyền tranh chấp phần tài sản này không?  4. Nếu Bố mất, và không ai tranh chấp, thủ tục chuyển đổi Chủ quyền nhà cho vợ chồng tôi có phức tạp không? Có cần chữ ký của Mẹ hoặc các anh chị em trong gia đình không? Rất mong sự phản hồi của quý Luật sư.

 

        1. Bố bạn có quyền lập di chúc để định đoạt phần tài sản của bố bạn theo quy định tại Điều 631 BLDS (chứ không được định đoạt phần tài sản của mẹ bạn). Nếu bố bạn muốn định đoạt cả phần tài sản của mẹ bạn thì phải lập di chúc chung vợ chồng  theo quy  định tại Điều 663 BLDS thì mới có hiệu lực đối với phần tài sản của mẹ bạn.

          Di sản của bố bạn là tài sản riêng của bố bạn và phần tài sản của bố bạn nằm trong khối tài sản chung. Bạn có thể tham khảo các quy định pháp luật sau đây:

"Ðiều 631. Quyền thừa kế của cá nhân

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Ðiều 634. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.".

          2. Kể từ sau khi bố bạn lập di chúc cho đến khi bố bạn chết, bố bạn có quyền thay thế, sửa đổi, hủy bỏ di chúc theo quy định tại Điều 662 BLDS, cụ thể như sau:

"Ðiều 662. Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc

1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc vào bất cứ lúc nào.

2. Trong trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.

3. Trong trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ."

         3. Tranh chấp về thừa kế là quyền của các thừa kế. Tuy nhiên, Tòa án có chấp nhận chia di sản thừa kế theo yêu cầu của họ hay không lại là chuyện khác.

        Nếu bố bạn lập di chúc để lại di sản cho vợ chồng bạn "và mẹ bạn," đồng thời di chúc đó hợp pháp theo quy định tại Điều 652 BLDS thì bạn sẽ không phải chia di sản của bố bạn cho các anh, chị em khác. Bạn  lưu ý là mẹ bạn là người đương nhiên được thừa kế của bố bạn, chứ không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Mẹ bạn được thừa kế 2/3 một suất thừa kế của bố bạn theo quy định tại Điều 669 BLDS. Nếu bố bạn lập di chúc để định đoạt toàn bộ di sản của ông cho người khác thì di chúc đó sẽ vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ.

           4. Nếu di chúc của bố bạn để lại di sản cho vợ chồng bạn và mẹ bạn hợp pháp theo quy định tại Điều 652 BLDS thì bạn chỉ cần thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế để sang tên mà không cần phải có chữ ký của các anh chị em khác của bạn. Bạn tham khảo Điều 652 BLDS sau đây:

"Ðiều 652. Di chúc hợp pháp

 1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

 a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

 b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

 2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

 3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

 4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Ðiều này.

 5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.".

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào