Trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về các chủ thể nào?

Trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về các chủ thể nào? Các chủ thể này phải làm gì để thực hiện trách nhiệm của minh? Muốn bảo vệ rừng phải chú ý những nội dung nào?

   Theo Chương III Luật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 thì trách nhiệm bảo vệ rừng thuộc về các chủ thể sau: Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ rừng, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ rừng theo quy định của Luật này, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong rừng, ven rừng có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ rừng; thông báo kịp thời cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc chủ rừng về cháy rừng , sinh vật gây hại rừng và hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng; chấp hành sự huy động nhân lực, phương tiện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra cháy rừng.
 
   Chủ rừng có trách nhiệm bảo vệ rừng của mình; xây dựng và thực hiện phương án, biện pháp bảo vệ hệ sinh thái rừng; phòng chống chắt phá rừng; phòng, chống săn, bắt, bẫy động vật rừng trái phép; phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của luật này, pháp luật về đất đai, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ rừng không thực hiện các quy định tại Khoản 1 Điều này mà để mất rừng được Nhà nước giao, cho thuê thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm: Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền về quản lý, bảo vệ rừng trong phạm vi địa phương; Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để bảo vệ và phát triển rừng ; Tổ chức chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vât hại rừng ở địa phương; chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tổ chức việc khai thác rừng theo quy định của Chính phủ; Chỉ đạo việc tổ chức mạng lưới bảo vệ rừng, huy động và phối hợp các lực lượng để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng trên địa bàn; Kiểm tra, tranh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật.
 
   Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm: hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách chế độ của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong phạm vi địa phương mình; Chỉ đạo, tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, khai thác lâm sản theo quy định của pháp luật; Huy động và phối hợp các lực lượng trên địa bàn để ngăn chặn mọi hành vi gây thiệt hại đến rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng trừ sinh vật hại rừng; Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm: Hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ của Nhà nước về quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trong phạm vi địa phương mình; Chỉ đạo các thôn, bản và đơn vị tương đương xây dựng và thực hiện quy ước bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn phù hợp với quy định của pháp luật; Phối hợp với các lực lượng của kiểm lâm, công an, quân đội, tổ chức lực lượng quần chúng bảo vệ rừng trên địa bàn; phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm phạm, hủy hoại rừng; Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, huy động các lực lượng chữa cháy rừng trên địa bàn; Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng và có kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp trên đưa rừng vào sử dụng đối với những diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê; Hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp - nông nghiệp - ngư nghiệp kết hợp, làm nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt; Kiểm tra việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ về quản lý, bảo vệ rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thông trên địa bàn; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ khi để xảy ra phá rừng, cháy rừng ở địa phương.
 
   Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ. chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm việc thực hiện các quy định về bảo vệ rừng theo quy định của Luật này; Tổ chức dự báo nguy cơ cháy rừng, xây dựng lực lượng chuyên ngành phòng cháy, chữa cháy rừng. Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định của Luật này; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo về phát triển rừng. Bộ Quốc Phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện công tác bảo vệ rừng tại các vùng biên giới, hải đảo và vùng xung yếu về quốc phòng, an ninh; huy động lực lượng tham gia chữa cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn; tham gia đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng trong các khu rừng đặc dụng có liên quan đến di sản văn hóa. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉn, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường rừng. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc bảo vệ rừng.
 
   Muốn bảo vệ rừng phải chú ý những nội dung sau:
 
Bảo vệ hệ sinh thái rừng: khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có những hoạt động khác ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải tuân theo quy định của Luật này, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ các công trình có ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật rừng phải thực hiện việc đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và chỉ được thực hiện các hoạt động đó sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
 
Bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng: việc khai thác thực vật rừng phải được thực hiện theo quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ quy định và quy trình, quy phạm về khai thác rừng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Việc săn, bắt, bẫy, nuôi nhốt động vật rừng phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tuân theo các quy định của pháp luật về bảo tồn động vật hoang dã. Những loại thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, bảo vệ theo chế độ đặc biệt. Chính phủ quy định chế độ quản lý,bảo vệ những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và Danh mục những loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc khai thác thực vật rừng, săn bắt động vật rừng, công cụ và phương tiện bị cấm sử dụng hoặc bị hạn chế sử dụng; chủng loại, kích cỡ tới thiểu thực vật rừng, động vật rừng và mùa vụ được phép khai thác, sẳn bắt, khu vực cấm khai thác rừng.
 
Phòng cháy, chữa cháy rừng: ở những khu rừng tập trung, rừng dễ cháy, chủ rừng phải có phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; khi trồng rừng mới tập trung phải thiết kế và xây dựng đường ranh, kênh, mương ngăn lửa, chòi canh lửa, biển báo, hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp được đốt lửa trong rừng, gần rừng để dọn nương rẫy, dọn đồng ruộng, chuẩn bị đất trồng rừng, đốt trước mùa khô hanh hoặc dùng lửa trong sinh hoạt thì người đốt lửa phải thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xây dựng, tiến hành các hoạt động trên các công trình đi qua rừng như đường sắt, đường bộ, đường dây tải điện và hoạt động du lịch sinh thái, hoạt động khác ở trong rừng, ven rừng phải chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; tuân thủ các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chủ rừng. Khi xảy ra cháy rừng, chủ rừng phải kịp thời chữa cháy rừng, báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trong trường hợp cần thiết Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm và thẩm quyền huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết ở địa phương, điều hành sự phối hợp giữa các lực lượng để kịp thời chữa cháy rừng có hiệu quả. Trong trường hợp cháy rừng xảy ra trên diện rộng có nguy cơ gây thảm họa dẫn đến tình trạng khẩn cấp thì việc chữa cháy rừng phải tuân theo các quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp. Chính phủ quy định chi tiết về phòng cháy, chữa cháy rừng, khắc phục hậu quả sau cháy rừng. Phòng, trừ sinh vật gây hại rừng: việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng phải tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y. Chủ rừng phải thực hiện các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; khi phát hiện có sinh vật gây hại rừng trên diện tích rừng được giao. được thuê phải báo ngay cho cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật gần nhất để được hướng dẫn và hỗ trợ các biện pháp phòng trừ. Chủ rừng phải chịu trách nhiệm về việc để lan truyền dịch gây hại rừng nếu không thực hiện các biện pháp về phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, pháp luật về thú y. Cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật có trách nhiệm tổ chức dự báo sinh vật gây hại rừng; hướng dẫn, hỗ trợ chủ rừng các biện pháp phòng, trừ sinh vật gây hại rừng; tổ chức phòng, trừ sinh vật gây hại rừng trong trường hợp sinh vật gây hại rừng có nguy cơ lây lan rộng. Nhà nước khuyến khích áp dụng các biện pháp lâm sinh, sinh học vào việc phòng, trừ sinh vật gây hại rừng.
 
Kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng: việc kinh doanh, vận chuyển thực vật rừng, động vật rừng và các sản phẩm của chúng phải tuân theo quy định của pháp luật. Viếc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh thực vật rừng, động vật rừng và các sản phẩm của chúng phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Việc nhập nội giống thực vật rừng, động vật rừng phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, pháp luật về thú y, pháp luật về giống cây trồng, pháp luật về giống vật nuôi. Chính phủ quy định, công bố công khai Danh mục thực vật rừng, động vật rừng được nhập khẩu; thực vật rừng, thực vật rừng cấm xuất khẩu hoặc xuất khẩu có điều kiện.
 
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào