Thừa kế tài sản có cần ý kiến của người đã biệt tích 21 năm?

Rất mong các luật sư có thể giúp em vấn đề này: Nhà em có một lô đất mang tên của mẹ em, mà mẹ em đã mất hơn 10 năm, và khi mất thì không để lại di chúc. giờ đây em muốn chuyển quyền sử dụng đất sang tên em (em sinh năm 1985) và em gái của em cùng sở hữu chung theo hàng thừa kế thứ nhất. Tuy nhiên chính quyền địa phương lại không chịu xác nhận cho em được làm sổ đỏ. Và còn đòi hỏi một yêu cầu rất phi lý là cần bố em phải có một lá đơn từ bỏ quyền thừa kế lúc đó mới  chịu xác nhận chuyển quyền sử dụng đất. Nhưng bố em lại bỏ nhà đi từ năm 1990 tức là đã 21 năm rồi.  Và từ đó cắt đứt mọi liên hệ với gia đình. Gần đây em được biết là bố đã lập gia đình với người khác và cũng đã thay đổi tên họ khác. Em có nhờ bố xác nhận theo yêu cầu của phường xã nhưng giờ đây bố đã không còn liên quan gì với cái tên của 21 năm trước và có một cái tên  và chứng minh nhân dân mới nên không thể xác nhận cho em được. còn chính quyền địa phương thì lại không đồng ý cho em chuyển tên trong sổ đỏ. Trong khi đó sổ đỏ và hộ khẩu nhà em đều không có tên của bố. Mà trước đây bố và mẹ cũng không hề đăng ký kết hôn. Và theo em được biết như vậy thì bố em không hề có bất cứ quyền lợi nào trong việc phân chia quyền thừa kế từ sổ đỏ mang tên của mẹ em đúng không ạ? Giờ đây em rất băn khoăn vì trong vài năm trước em cũng đã đổi hộ khẩu mới mang tên em là chủ hộ. còn sổ đỏ vẫn là tên của mẹ em. Có người nói với em là chỉ cần đăng thông báo bố em mất tích trong vòng 21 năm là được vì từ ngày bỏ nhà đi bố em đã không hề trở về địa phương mà cư trú ở một tỉnh rất xa và cũng đã thay tên đổi họ.  Tuy nhiên em rất băn khoăn là hiện tại bố em còn sống nên liệu em có làm được không ạ? Và em phải nói như thể nào để chính quyền địa phương hiểu và đồng ý chuyển quyền sử dụng đất sang tên chị em em ạ? Rất mong các luật sư giải đáp cho em? Em xin chân thành cảm ơn các luật sư.

Vì mẹ của bạn chết không để lại di chúc như vậy phải chia tài sản theo pháp luật. Theo Điều 676 Bộ luật dân sự 2005 bố bạn, em gái của bạn và bạn là người cùng hàng thừa kế thứ nhất vì thế sẽ cùng đồng sở hữu tài sản thừa kế do mẹ bạn để lại. Chính quyền yêu cầu bạn phải có văn bản xác nhận từ chối nhận di sản của bố bạn là đúng luật. Tuy nhiên bố bạn và mẹ bạn lấy nhau không có đăng ký kết hôn và hiện nay bố bạn đã bỏ đi nơi khác 21 năm không liên hệ với gia đình theo luật hôn nhân gia đình 2000 và nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thì

1. Thừa kế trong trường hợp chưa có đăng ký kết hôn

A. Trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987, nếu có một bên chết trước, thì bên vợ hoặc chồng còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế.

B. Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003; do đó cho đến trước ngày 01/01/2003 mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước thì bên chồng hoặc vợ còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế. Trong trường hợp sau ngày 01/01/2003 họ vẫn chưa đăng ký kết hôn mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước và có tranh chấp về thừa kế thì trong khi chưa có quy định mới của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuỳ từng trường hợp mà Toà án xử lý như sau:

- Nếu chưa thụ lý vụ án thì không thụ lý;

- Nếu đã thụ lý vụ án và đang giải quyết thì ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án.

Pháp luật không được công nhận là vợ chồng vì thế bố bạn không có quyền hưởng di sản do mẹ bạn để lại. Bản thân nếu biết bố bạn ở đâu thì nên bảo ông ấy làm đơn trình bày gửi chính quyền về sự việc và cam kết từ chối nhận di sản, không tranh chấp gì về di sản của mẹ bạn để lại. Theo tôi bạn làm đơn trình bày sự việc trên để chính quyền biết và xác nhận của người làm chứng, trên cơ sở đó mới làm được sang tên cho bạn. 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào