Tội phạm hủy hoại rừng
Theo Điều 189 Bộ luật hình sự thì hành vi bị coi là tội phạm hủy hoại là hành vi đốt, phá rừng trái phép rừng hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phần I và Mục 3 phần IV Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo về rừng và quản lý lâm sản như sau: Bị coi là “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” quy định tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự nếu trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi được liệt kê tại khoản 1 Điều 189 Bộ luật hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong cac hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
“Đốt rừng trái phép” là hành vi cố ý làm cháy rừng với bất kỳ mục đích gì mà không được người hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. “Phá rừng trái phép” là chặt phá rừng, ken cây và các hành vi khác trái pháp luật làm cho cây rừng bị chết với bất kỳ mục đích gì, trừ các trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1, và tiểu mục 1.2 mục 1 phần IV này.
“Hành vi khác hủy hoại rừng” là đào bới, nổ mìn, san ủi, đào, đắp ngăn nước thủy triều, tháo nước hoặc xả chất độc hại vào rừng trái pháp luật...làm cho cây rừng bị chết hàng loạt, đất rừng bị ô nhiễm. Người phạm tội này trong trường hợp thông thường (không có tình tiết tăng nặng định khung) bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; hủy hoại diện tích rừng rất lớn; chặt phá các loại thực vật quý hiếm thuộc danh mục quy định của Chính phủ; gây hậu quả rất nghiêm trọng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: hủy hoại diện tích rừng đặc biệt lớn; hủy hoại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Thư Viện Pháp Luật