Trốn nợ
1. Hình thức hợp đồng: Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hình thức hợp đồng dân sự như sau:
"Ðiều 401. Hình thức hợp đồng dân sự
1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.
2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó."
Như vậy, pháp luật quy định hợp đồng có thể thể hiện bằng văn bản, lời nói hoặc bằng hành vi cụ thể. Trong hợp đồng vay nợ, luật không quy định là phải lập thành văn bản. Do vậy bên cho vay chỉ cần có chứng cứ chứng minh về việc đã cho chú bạn vay tiền (băng đĩa ghi âm, ghi hình...) hoặc chú bạn thừa nhận việc vay tiền đó thì chú bạn phải có trách nhiệm trả nợ.
2. Trách nhiệm trả nợ và hậu quả pháp lý:
Chú bạn phải có trách nhiệm trả nợ số tiền đã vay, nếu cố tình không trả thì họ có thể dùng nhiều biện pháp ép chú bạn phải bán nhà để trả nợ. Nếu họ khởi kiện chú bạn thì sau này ngôi nhà đó cũng sẽ bị kê biên, phát mại để trả nợ.
Trong vụ việc này, hành vi của chú của bạn có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 BLHS (vay tài sản rồi sử dụng vào mục đích phi pháp dẫn đến không còn khả năng hoàn trả) và mức hình phạt có thể là 20 năm hoặc chung thân. ..
Do vậy, cách tốt nhất là gia đình chú bạn nên tự thu xếp với chủ nợ hoặc tìm cách trả nợ. Nếu vụ việc đưa ra pháp luật thì chú bạn nhiều khả năng sẽ phạm tội và vẫn phải trả nợ hoặc họ dùng "xã hội đen" để đòi nợ thì vụ việc càng phức tạp. Bạn có thể tham khảo quy định pháp luật sau đây của BLHS:
Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm;
e) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm và bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
Thư Viện Pháp Luật