Nghĩa vụ của người làm chứng
Theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Tố tụng hình sự thì "Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng". Khi được triệu tập, người làm chứng có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án; trong trường hợp cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải; khai trung thực tất cả những tình tiết mà mình biết về vụ án.
Người làm chứng từ chối hoặc trốn tránh việc khai báo mà không có lý do chính đáng, thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật Hình sự; khai báo gian dối thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 307 của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, Điều 134 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định: Trong trường hợp người làm chứng đã được cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.
Theo các quy định nói trên, nếu ông đã được cơ quan điều tra đưa vào tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng, ông có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập và các nghĩa vụ tố tụng khác do pháp luật quy định.
Ông cũng có thể bị dẫn giải nếu đã được triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc ông vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải.
Trong trường hợp ông vắng mặt có lý do chính đáng và đã có lời khai với cơ quan điều tra, việc ông vắng mặt không gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan điều tra không có căn cứ để áp dụng biện pháp dẫn giải với ông
Thư Viện Pháp Luật