Chuyển nhượng cổ phần phổ thông có điều kiện
1. Thủ tục chuyển nhượng cổ phần (vốn góp trong công ty cổ phần):
Như bạn trao đổi, công ty này hoạt động chưa đủ 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nên theo khoản 5 Điều 84 Luật Doanh nghiệp, việc chuyển nhượng cổ phần cần được đại hội đồng cổ đông chấp thuận. Lưu ý, trong trường hợp này, bên chuyển nhượng không được tham gia biểu quyết.
Việc chấp thuận của đại hội đồng cổ đông công ty là điều kiện tiên quyết để hai bên tiến tới việc ký và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Căn cứ hợp đồng hai bên đã ký và cam kết chịu trách nhiệm hoàn tất việc thanh toán đúng quy định của pháp luật, công ty sẽ xác nhận vào hợp đồng theo yêu cầu của hai bên và bổ sung tên cổ đông sáng lập mới trong Sổ đăng ký cổ đông và tiến hành thay đổi nội dung cổ đông sáng lập trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty.
Về thủ tục thay đổi nội dung cổ đông sáng lập trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty, bạn có thể tham khảo tại đây.
2. Về các thỏa thuận riêng giữa các cổ đông:
a. Mua lại cổ phiếu với giá rẻ hơn mệnh giá phát hành (10.000 VND)
Hiện tại pháp luật không quy định cụ thể về giá chuyển nhượng giữa các bên nên các bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc mua lại cổ phiếu với giá thấp hơn hoặc cao hơn mệnh giá phát hành.
b. Thỏa thuận về quyền yêu cầu Công ty mua lại cổ phần:
Trước tiên, việc mua lại cổ phần là câu chuyện giữa các cổ đông công ty, không thể coi rằng những cam kết của cổ đông công ty là cam kết của công ty. Mặt khác, theo Điều 90 Luật Doanh nghiệp, cổ đông chỉ có quyền yêu cầu Công ty mua lại cổ phần của mình trong trường hợp cổ đông phản đối quyết định về việc tổ chức lại Công ty hoặc thay đổi quyền và nghĩa vụ của Cổ đông.
Về giá mua lại, nếu trong Điều lệ Công ty có quy định về việc lựa chọn giá cao hơn giữa giá thị trường và giá nhận chuyển nhượng thì bạn mới có thể yêu cầu Công ty mua lại với giá theo nguyên tắc này.
c. Thỏa thuận về quyền tham gia Hội đồng quản trị:
Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định. Một người chỉ được làm thành viên hội đồng quản trị khi được đại hội đồng cổ đông công ty bầu. Theo khoản 3 Điều 108 Luật doanh nghiệp, mỗi thành viên Hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết trong cuộc họp để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
3. Rủi ro khi thủ tục, hồ sơ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không tuân thủ quy định của pháp luật.
Mỗi giao dịch dân sự nói chung và giao dịch mua cổ phần nói riêng đều phải đảm bảo các nguyên tắc sự tự do về ý chí của các bên tham gia giao dịch, ngoài ra hình thức và nội dung của giao dịch cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định hợp đồng chuyển nhượng cổ phần phải được công chứng hoặc chứng thực, tuy nhiên Luật Doanh nghiệp có quy định, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà cổ đông sáng lập thực hiện việc bán cổ phần cho người ngoài công ty (không phải là cổ đông sáng lập) thì phải được sự chấp thuận của đại hội đồng cổ đông, đây có thể coi là điều kiện của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp cũng có quy định, việc thay đổi cổ đông sáng lập phải được thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, đồng thời việc chuyển nhượng chỉ được coi là hoàn tất khi tên cổ đông mới được ghi trong sổ đăng ký cổ đông công ty. Bạn đối chiếu quy định của pháp luật để xem xét giao dịch của mình. Trong trường hợp chưa hoàn thành quy định nào, bạn cần liên hệ với bên chuyển nhượng cổ phần cho bạn để hoàn tất. Giả thiết rằng, nếu bên bán cổ phần cho bạn không hợp tác hoàn thiện dẫn tới tranh chấp phải kiện ra tòa án, trong trường hợp này sẽ được xem xét như đối với trường hợp hợp đồng vô hiệu, tòa án sẽ cho các bên một khoảng thời gian nhất định để hai bên hoàn thiện thủ tục, nếu không hoàn thiện được thì căn cứ lỗi các bên để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thư Viện Pháp Luật