Giá trị pháp lý của di chúc miệng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 652 của Bộ luật Dân sự: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực”.
Trong trường hợp cụ thể nói trên, di chúc miệng của người chồng không được những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ và đưa đi công chứng hoặc chứng thực.
Mặt khác, người chồng đã tự ý định đoạt cả phần tài sản của người vợ nên di chúc miệng của người này không hợp pháp cả về hình thức lẫn nội dung. Do vậy phần tài sản thuộc sở hữu của người chồng sẽ được chia thừa kế theo pháp luật cho những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chồng theo Điều 676 Bộ luật dân sự là người vợ và hai người con đẻ.
Khi chia thừa kế, “những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau” nên phần di sản của người chồng sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau cho người vợ và hai người con.
Theo quy định tại Điều 641 của Bộ luật thì trong trường hợp những người có quyền thừa kế di sản của nhau đều chết cùng thời điểm thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng. Vì vậy nếu cả hai vợ chồng cùng bị tại nạn chết thì di sản của hai người sẽ do những người thừa kế hưởng.
Cụ thể là phần di sản của người chồng được chia làm 2 phần bằng nhau cho hai người con trai và phần di sản của người vợ sẽ được chia làm 3 phần bằng nhau cho hai người con trai và mẹ đẻ của người vợ.
Thư Viện Pháp Luật