Gây tai nạn chết người
Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau: 1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. … 5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Như vậy, trong trường hợp nói trên, nếu qua các hoạt động điều tra của cơ quan công an xác định người có lỗi gây ra tai nạn là người điều khiển xe máy đi với tốc độ cao, có nồng độ cồn trong máu cao gấp 4 lần so với mức bình thường (người này đã chết trên đường đi cấp cứu) có lỗi gây ra vụ tai nạn nói trên, thì anh trai của bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không phải bồi thường thiệt hại. Ngược lại, nếu anh trai của bạn được xác định là người có lỗi gây ra vụ tai nạn nói trên thì anh trai của bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 nói trên với mức phạt tù tương ứng với khung hình phạt mà anh trai của bạn bị đưa ra xét xử (khung hình phạt này tùy thuộc vào các tình tiết định khung tăng nặng mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định có hay không). Bên cạnh đó, anh trai bạn còn đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, cụ thể: Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau: 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. … 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường. Điều 606 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau: 1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường. … 3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại hại do tính mạng bị xâm phạm như sau: 1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng. 2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Thư Viện Pháp Luật