Cho vay nặng lãi có phạm pháp không?

Hiện tại nhà tôi có 1 người vay lãi 18tr đ. Với mức lãi xuất của bên đó là 30.000đ/ngày/1tr...do gia đình khó khăn nên không có tiền để trả..một hôm bên đó ép, dọa nạt, kéo người theo bắt ký giấy là phải trả 40tr đ. Lâu ko có tin tức gì, bên đó đã xông vào nhà, mang bình xịt hơi cay vào nhà xịt vào người nhà tôi..Đến khi giải quyết bên đó tính là gia đình tôi phải trả 400tr, sau đó gia đình tôi ko đủ khả năng làm việc đó, lại nói là phải trả 100tr...nói tới nói lui 1 hồi còn lại 50tr...tới khi ra CA xã giải quyết do chưa nhận được sự quyết định của gia đình mà mẹ tôi đã ký giấy trả 25tr/1 tháng..ký xong mẹ tôi có đi vay mượn khắp nơi để kiếm tiền trả nhưng ko có...vậy luật sư cho em hỏi cho vay lãi như vậy có phạm pháp không, ép người ta kí giấy như vậy có phải là tống tiền và xông vào nhà tôi như vậy thì phải giải quyết như thế nào ạ!!.  Kính mong luật sư giải đáp..! Xin chân thành cảm ơn.

Theo quy định pháp luật thì việc đòi nợ phải thực hiện trên cơ sở đàm phán, thỏa thuận dân sự giữa các bên. Nếu không thể tự giải quyết được thì bên cho vay có thể khởi kiện đến Tòa án dân sự để được giải quyết. Sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành bản án đó (khấu trừ lương, thu nhập, kê biên phát mại tài sản....).

          Nếu người đòi nợ dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc bắt người để yêu cầu trả nợ ...  để thu hồi nợ thì có thể phạm tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 133 BLHS hoặc tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 135 BLHS, Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 134 BLHS.

           Với vụ việc của gia đình bạn thì nên báo công an để xử lý bên đòi nợ theo quy định pháp luật. Bạn có thể tham khảo một số quy định pháp luật sau đây của Bộ luật hình sự:

"Điều 133. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 134. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Đối với trẻ em;

e) Đối với nhiều người;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

h) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

i) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười tám năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người bị bắt làm con tin mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người;

b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản."

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào