Kính thưa Luật sư, Tôi xin Luật sư tư vấn một việc như sau: Sau khi thử việc, tháng 12/2012 tôi có ký hợp đồng làm việc cho một Trung tâm giáo dục âm nhạc. Thời hạn hợp đồng: 1 năm. Mức lương: Hưởng theo sản phẩm (bằng 40% mức học phí của học sinh). Trong đó có thỏa thuận người sử dụng lao đông giữ lại 5% thu nhập của người lao động để đảm bảo thực hiện hợp đồng và đến hết thời hạn hợp đồng sẽ hoàn trả. Trong hợp đồng không đề cập đến vấn đề bảo hiểm cũng như phạt hợp đồng nếu như người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Sau khi làm việc được 3 tháng, tôi có đặt vấn đề được đóng bảo hiểm. Người dử dụng lao động nói rằng ở đây không có chế độ bảo hiểm dù làm việc bao lâu đi nữa. Vì lý do nếu đóng bảo hiểm sẽ làm mất cân bằng giữa các giáo viên (hiện trung tâm có 9 giáo viên và 3 nhân viên đã làm việc khá lâu) vì vậy người sử dụng lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Tôi có đề nghị cho tôi xin quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nhưng Giám đốc TT không cho và nói rằng lâu nay chỉ cần thông báo bằng miệng là xong. Hiện nay Người sử dụng lao động còn giữ của tôi: Số tiền 5% hàng tháng để đảm bảo thực hiện hợp đồng và số tiền lương 10 ngày đầu tháng 4/2013. Đề ngị Luật sư cho biết: 1. Bằng cách nào tôi có thể đòi lại số tiền mà Người sử dụng lao động giữ lại của tôi? 2. Theo quy định của Pháp luật hiện hành tôi được bồi thường những khoản tiền nào? Có được yêu cầu bồi thường tiền lương những tháng còn lại của hợp đồng không? 3. Việc chấm dứt hợp đồng vì lý do tôi yêu cầu đóng bảo hiểm có đúng luật không? Nếu khiếu nại thì cơ quan nào giải quyết việc này?
1/ Theo quy định của pháp luật hiện hành thì nếu giao kết hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên thì phải tham gia BHXH bắt buộc. Hợp đồng của bạn 1 năm nhưng đơn vị sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc cho bạn là vi phạm pháp luật.
2/ Khi bạn đề cập vấn đề tham gia BHXH thì đơn vị lại chấm dứt hợp đồng lao động của bạn một cách ngang nhiên là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
3/ Cơ quan giải quyết trong trường hợp bạn bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là tòa án nhân dân cấp quận/huyện nôi đơn vị sử dụng lao động đóng trụ sở. Do vậy, bạn cần khởi kiện để tòa án giải quyết cho bạn theo quy định.
4/ Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì pháp luật quy định việc xử lý như sau:
Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì phải nhận người lao động trở lại làm việc và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày người lao động không được làm việc. Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền được bồi thường tương ứng với tiền lương trong những ngày không được làm việc, người lao động còn được trợ cấp thôi việc theo quy định.