Thủ tục làm sổ đỏ

Xin chào Luật sư! Mong luật sư tư vấn giúp tôi trường hợp này. Gia đình tôi đang sinh sống ở Thanh Hóa, có 8 người con, 6 trai và 2 gái (mỗi người giờ ở mỗi nơi khác nhau). Bố tôi là con trưởng trong gia đình. Đất bố tôi đang sống là của ông bà để lại nhưng chưa cho ai ( ông bà tôi đã mất). Trong 60 năm qua gia đình tôi ở trên đất của ông bà, nhưng bố mẹ tôi là người đóng thuế đất hằng năm trên danh nghĩa của bố tôi (giấy tờ thuế đất đều ký tên bố tôi). Trong cuộc họp gia đình gần đây nhất (2 năm trước) tất cả anh em đã đồng ý cho bố tôi 1 phần (trong 3 lô đất của ông bà) có ký tên đầy đủ của các anh em trong gia đình. Nay bố tôi muốn làm sổ đỏ 1 lô đất (trong 3 lô đó) liệu có được không? hay chỉ được phép làm 1 sổ cho 3 lô đây ? Anh em giờ nảy sinh mâu thuẫn lật ngược lại những gì đã ký và cam kết. Giấy cam kết có chữ ký của 2 năm trước có còn giá trị để làm thủ tục sổ đỏ không? Tôi có 2 vấn đề cần tư vấn vậy. Rất mong luật sư tư vấn giúp tôi. Mong được hồi âm sơm. Xin chân thành cảm ơn!.

 - Một trong những điều kiện để được cấp GCN QSD đất theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật đất đai hiện hành là: "Đất không có tranh chấp". Do vậy, nếu thửa đất gia đình bạn đang sử dụng mà có tranh chấp thì không đủ điều kiện cấp GCN QSD đất. Gia đình bạn phải giải quyết xong tranh chấp thì căn cứ vào biên bản thỏa thuận hoặc bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì UBND mới cấp GCN QSD đất cho gia đình bạn.

- Nếu trước đó trong các hồ sơ, tài liệu của các cơ quan quản lý đất đai không có tên của ông bà bạn mà chỉ có tên của bố bạn. Ngoài ra, các cô, chú, bác của bạn cũng không có văn bản, tài liệu nào chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của ông, bà bạn theo quy định tại Điều 50 Luật đất đai thì mới có căn cứ để xác định bố bạn là chủ sử dụng hợp pháp thửa đất đó. Việc bố bạn được công nhận 1 thửa đất hay 3 thửa đất phụ thuộc vào các giấy tờ về quyền sử dụng quy định theo ĐIều 50 Luật đất đai;

- Nếu ông bà bạn đã chết quá 10 năm và nhà đất đứng tên ông bà thì các cô, chú, bác bạn chỉ được chia nhà đất đó nếu có sự đồng ý của người đang sử dụng (bố bạn);

- Biên bản thỏa thuận chia thừa kế chỉ có giá trị pháp lý nếu có sự đồng ý của tất cả các thừa kế và có xác nhận của chính quyền địa phương. Nếu trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế của ông bà bạn mà gia đình bạn đã có biên bản thỏa thuận về thừa kế (không có xác nhận của chính quyền địa phương) nay đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế thì bố bạn vẫn có thể được nhận phần di sản đó theo quy định tại Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào