Phá hoại tài sản người khác
Nếu uống rượu say rồi phá hoại tài sản của người khác mà tài sản bị thiệt hại trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì người phá hoại sẽ bị khởi tố về tội cố ý hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 143 Bộ luật hình sự, cụ thể hình phạt như sau:
"Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm.
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.".
Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Khi uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác, người ta có thể lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, tức là trong tình trạng đó không tồn tại điều kiện chủ quan thực tế để có lỗi. Song xuất phát từ việc cho rằng, tình trạng không nhận thức và điều khiển hành vi ở người say chỉ là tạm thời, không phải là kết quả do những nguyên nhân ổn định, tiềm tàng từ chính bên trong chủ thể đưa lại như năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi tự nó sẽ được khôi phục vì trước đó họ là người bình thường. Do đó, buộc một người phải chịu trách nhiệm hình sự về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu hay say do dùng chất kích thích mạnh khác là sự quy kết tội phạm khách quan, hợp pháp và còn có ý nghĩa tác động giáo dục mạnh mẽ không chỉ đối với người đó, mà còn đối với người khác: không được quá lạm dụng rượu hoặc chất kích thích để dẫn đến thực hiện tội phạm.
BLHS không coi việc say do sử dụng rượu, bia quá nồng độ quy định hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác là tình tiết để giảm nhẹ hoặc miễn trách nhiệm hình sự. Thậm chí đối với một số tội phạm, BLHS còn coi đây là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (ví dụ: Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202), Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt (Điều 208); Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ (Điều 212)...
Thư Viện Pháp Luật