Tổng số tiền lương doanh nghiệp phải đóng BHXH bao gồm gì?
Theo quy định của Luật BHXH sửa đổi, bổ sung số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 và tại khoản 5 Điều 18 Thông tư số 17/2015/TT-BLĐTBXH thì các mức lương, phụ cấp lương để đóng, hưởng BHXH đối với người lao động đến hết ngày 31/12/2015 được thực hiện theo quy định và hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; từ ngày 01/01/2016 trở đi thực hiện theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13.
Tại Điều 6 Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc như sau:
1. Đối với các chức danh quản lý là thành viên Hội đồng thành viên (hoặc chủ tịch công ty), Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc; Giám đốc; Phó Giám đốc; Kế toán trưởng và kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu theo Nghị định số 51/2015/NĐ-CP ngày 14/5/2015 thì được đáp dụng bảng lương do Nhà nước quy định tại (Phụ lục số 1). Tiền lương này tính trên mức lương cơ sở.
2. Đối với người lao động không giữ chức danh quản lý thì thực hiện theo chế độ tiền lương do đơn vị quyết định, tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong HĐLĐ. Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.
Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng và không được cao hơn 20 tháng lương cơ sở.
Trường hợp người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp dạy nghề) thì tiền lương đóng BHXH bắt buộc phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng, nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì cộng thêm 5%.
Thư Viện Pháp Luật