Tư vấn pháp luật

Người gửi: Lê Văn Vinh Địa chỉ: Tam kỳ, Quảng Nam, Số điện thoại: 01693724133, Email: [email protected] Câu hỏi: Gia đình tôi là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng tạp hóa. Vừa qua gia đình tôi có cho gia đình anh Đàm ở cùng xóm, mua nợ một số hàng hóa và mượn một số tiền tổng cộng là 18.000.000đ, nhưng gia đình nhà anh Đàm không trả nợ cho tôi và nay đã bỏ đi nơi khác, không biết đi đâu. Gia đình tôi vì nghĩ đã bị họ trốn nợ nên đến nhà của họ để lấy 2 cái máy sản xuất mộc dân dụng. Nhưng bố đẻ của anh Đàm lại gửi đơn lên UBND xã nói máy đó là của ông cho con trai ông (anh Đàm) mượn để làm ăn. Vì vậy UBND xã đã thu hồi 02 chiếc máy làm mộc giữ tại UBND xã. Tôi xin hỏi việc làm như vậy của tôi và cách giải quyết như vậy của UBND xã có đúng không?

Việc bán hàng cho để nợ và cho mượn tiền mặt giữa ông và ông Đàm thuộc về quan hệ pháp luật dân sự. Nay ông Đàm bỏ đi nơi khác mà không trả nợ cho ông, ông có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án cấp huyện (nơi ông Đàm cư trú và có tài sản trước khi bỏ đi) để yêu cầu giải quyết. Kèm theo đơn kiện, ông phải gửi các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc anh Đàm mua nợ hàng hóa và mượn số tiền 18.000.000 đồng của ông là có căn cứ.

Việc ông nghĩ là ông Đàm đã trốn nợ nên đến nhà ông Đàm lấy 02 cái máy sản xuất mộc dân dụng với mục đích để trừ nợ là không đúng pháp luật. Tuy chưa có cơ sở để xác định 02 cái máy sản xuất mộc dân dụng này là của cha ông Đàm hay chính của ông Đàm, nhưng UBND xã đã can thiệp bằng cách thu hồi và tạm giữ tại UBND xã để chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết là đúng và cần thiết.

Để bảo đảm chắc chắn cho việc thu hồi nợ, trong khi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, ông có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với một số tài sản của ông Đàm như nhà cửa, máy mộc dân dụng... để sau này cơ quan thi hành án dân sự có thể đưa ra bán đấu giá thu hồi nợ trả cho ông.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào