Quyêt định của UBND liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai
1. Làm rõ các căn cứ xác định chủ quyền đất
Như bạn trao đổi, hiện nay đất của gia đình bạn đã được cấp giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp với các chủ sử dụng đất liền kề. Để bảo vệ quyền lợi của gia đình nhà mình, bạn nên tìm kiếm các chứng cứ chứng minh chủ quyền của mình trên cơ sở nguồn gốc đât, ví dụ: đất được nhà nước giao thì căn cứ quyết định giao đất của nhà nước, đất được hưởng thừa kế thì căn cứ vào giấy tờ về thừa kế hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất ban đầu...Ngoài ra, hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính cũng là tài liệu quan trọng lưu trữ thông tin về chủ sử dụng đất, ranh giới, diện tích thửa đất.
Trường hợp, ủy ban nhân dân cấp xã đứng ra giải quyết tranh chấp và đưa ra kết luận thì chủ sử dụng đất có quyền ký vào văn bản thể hiện sự đồng tình hoặc không đồng tình với kết luận giải quyết. Bố của bạn không ký có thể hiểu bố bạn không biết hoặc không chấp nhận nội dung của bản kết luận. Trong trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết của ủy ban nhân dân cấp xã, bố bạn có quyền khởi kiện ra tòa án đề nghị xem xét giải quyết.
2. Xác định ranh giới và diện tích đất
Như tôi đã phân tích ở trên, việc ủy ban nhân dân xã xác định một điểm cụ thể để đo đất và đưa ra kết luận giải quyết thường phải có cơ sở và căn cứ. Bạn có thể đề nghị ủy ban nhân dân cấp xã giải thích cơ sở nào để lấy "điểm đầu cạnh trái của thửa đất đến điểm cuối cùng dóng thẳng" khi xác định ranh giới thửa đất, mặt khác, nếu bạn cho rằng việc xác định điểm cụ thể để đo mốc ranh giới thửa đất của ủy ban nhân dân xã như vậy là không chính xác thì cũng dựa trên những cơ sở, dữ liệu nào. Việc đưa ra các căn cứ, chứng cứ, cơ sở trong trường hợp này sẽ giúp việc giải quyết tranh chấp, vướng mắc về ranh giới, diện tích đất trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Trường hợp cả hai bên tranh chấp đất không có tài liệu chứng minh nguồn gốc đất thì lấy hồ sơ, bản đồ địa chính được lập và lưu trữ qua các thời kỳ để giải quyết.
Thư Viện Pháp Luật