Tội danh tàng trữ và vận chuyển ma túy từ Lào về VN
Hành vi của A, B và C phạm tội theo quy định tại Điều 194 BLHS, cụ thể như sau:
“Điều 194. Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy
1. Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
e) Sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma tuý cho trẻ em;
g) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm trăm gam đến dưới một kilôgam;
h) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ năm gam đến dưới ba mươi gam;
i) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới hai mươi lăm kilôgam;
k) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới hai trăm kilôgam;
l) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ mười kilôgam đến dưới năm mươi kilôgam;
m) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ hai mươi gam đến dưới một trăm gam;
n) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ một trăm mililít đến dưới hai trăm năm mươi mililít;
o) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm g đến điểm n khoản 2 Điều này;
p) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ một kilôgam đến dưới năm kilôgam;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ ba mươi gam đến dưới một trăm gam;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ hai mươi lăm kilôgam đến dưới bảy mươi lăm kilôgam;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ hai trăm kilôgam đến dưới sáu trăm kilôgam;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ năm mươi kilôgam đến dưới một trăm năm mươi kilôgam;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ một trăm gam đến dưới ba trăm gam;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ hai trăm năm mươi mililít đến dưới bảy trăm năm mươi mililít;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 3 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có trọng lượng từ năm kilôgam trở lên;
b) Hêrôin hoặc côcain có trọng lượng từ một trăm gam trở lên;
c) Lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có trọng lượng từ bảy mươi lăm kilôgam trở lên;
d) Quả thuốc phiện khô có trọng lượng từ sáu trăm kilôgam trở lên;
đ) Quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ một trăm năm mươi kilôgam trở lên;
e) Các chất ma tuý khác ở thể rắn có trọng lượng từ ba trăm gam trở lên;
g) Các chất ma tuý khác ở thể lỏng từ bảy trăm năm mươi mililít trở lên;
h) Có từ hai chất ma tuý trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma tuý quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản 4 Điều này.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”.
Ngoài ra bạn thể tham khảo: Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp, ngày 24/12/2007, về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma tuý” của Bộ luật Hình sự năm 1999 để được biết rõ hơn.
Với thông tin bạn đưa ra thì chưa thể xác định được là mỗi người chịu hình phạt là bao nhiêu năm tù. Hành vi phạm tội của họ có thể thuộc khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 194 BLHS.
Số viên ma túy tổng hợp đó sẽ được giám định để biết lượng ma túy chứa trong đó: Nếu từ 30 đến 100gam thì thuộc khoản 3, Điều 194; Nếu trên 100gam thì thuộc khoản 4, Điều 194 BLHS. Ngoài ra việc xác định hình phạt cho mỗi bị cáo sẽ căn cứ vào nhân thân của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 46 và Điều 48 BLHS, vai trò của mỗi bị cáo…
Trong vụ việc này, cả A, B và C đều thể hiện vai trò của Người thực hành theo quy định tại Điều 20 BLHS. Trong quá trình điều tra, nếu xác định ai trong số họ thực hiện tội phạm tích cực hơn, vai trò quan trọng hơn thì mức hình phạt sẽ cao hơn. Nếu xác định trong số họ có người chủ mưu, cầm đầu thì mức độ trách nhiệm hình sự sẽ cao nhất. Thông thường nếu những trường hợp phạm tội thuộc khoản 4, Điều 194 mà có nhiều người tham gia thì Người chủ mưu, cầm đầu sẽ chịu mức án tử hình, người thực hành chịu mức chung thân, những người còn lại khoảng 15-20 năm tùy thuộc vào nhân thân và vai trò của bị cáo đối với vụ việc đó.
Tôi và bạn - “Chúng ta” đều không phải là người “trong cuộc”. Không được tiếp xúc với bị can, không được nghiên cứu hồ sơ vụ án (xem bị cáo khai gì, cơ quan tố tụng thu thập được gì…), dựa trên cơ sở một vài tình tiết và quy định của pháp luật để “phỏng đoán” vậy thôi. Để được đảm bảo sự công bằng của pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo thì bạn nên khuyên gia đình các bị can, bị cáo nên mời người bào chữa tham gia vụ án.
Thư Viện Pháp Luật