Thủ tục thế chấp nhà ở
Bộ luật dân sự quy định:
"Ðiều 342. Thế chấp tài sản
1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.
Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.
2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.
3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Ðiều 715 đến Ðiều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ðiều 343. Hình thức thế chấp tài sản
Việc thế chấp tài sản phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.".
Theo đó hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở bắt buộc phải có công chứng, chứng thực và phải đăng ký thế chấp theo quy định về giao dịch đảm bảo. Nếu bên vay tài sản chỉ thế chấp một phần ngôi nhà thì phải định giá, xác định rõ vị trí, diện tích giá trị của tài sản thế chấp.
Thông thường nếu Ngân hàng nhận thế chấp thì không mấy khi chấp nhận thế chấp một phần nhà đất để đảm bảo cho khoản vay nợ, bới nếu thế chấp một phần căn nhà thì việc xử lý tài sản sẽ rất khó khăn, phức tạp (liên quan đến điều kiện tách thửa đất và thủ tục tách thửa đất nếu tài sản bị phát mại để đảm bảo cho khoản vay đến hạn)...
Thư Viện Pháp Luật