Bên ủy quyền quyền sử dụng đất chết
Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi đã xem xét, nghiên cứu những quy định pháp luật hiện hành có liên quan như sau
Điều 581 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005: “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền:
- Hợp đồng uỷ quyền hết hạn;
- Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
- Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này;
- Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn thì hợp đồng ủy quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt diện tích đất của em bạn sẽ bị chấm dứt theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005 đã được nêu ở bên trên khi em bạn chết. Diện tích đất đó sẽ được để thừa kế cho người thừa kế của em bạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn nêu thì em bạn khi chết vẫn độc thân và bạn cũng không đề cập đến việc em bạn có để lại di chúc hay không? Như vậy, để trả lời cho câu hỏi là bạn có được đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên hay không thì phải căn cứ vào việc bạn thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất, em bạn để lại di chúc (di chúc hợp pháp) mà trong di chúc em bạn để lại toàn bộ hoặc một phần diện tích đất đó cho bạn thì sau khi nhận di sản, bạn có thể tiến hành làm các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích mà bạn được hưởng.
Trường hợp thứ hai, em bạn không để lại di chúc, khi đó, tài sản của em bạn sẽ được chia theo pháp luật. Vì bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai (theo điểm b khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005) nên bạn chỉ có thể được hưởng thừa kế nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Thư Viện Pháp Luật