Cách thức, thủ tục và các giấy tờ cần thiết cho việc khiếu nại?

Chào luật sư! Em là Nguyễn Thị Việt Bình, 27 tuổi, hiện đang là nhân viên của CTCP Dịch vụ & Thương mại Hàng không. Em xin trình bày vấn đề của em như sau: Em vào làm cho cty từ ngày 7.5.2007, làm việc tại văn phòng công ty ở Hà Nội và từ ngày 22.11.2008 em được điều sang làm nhân viên văn phòng đại diện của Công ty ở UAE. Tại đây, em gặp và sau đó kết hôn với chồng em là giám đốc văn phòng, đồng thời cũng là cháu ruột gọi Tổng giám đốc Công ty là chú. Đến tháng 11.2010, do công ty gặp khó khăn trong việc duy trì văn phòng nên quyết định đóng cửa văn phòng đại diện. Đồng thời, trong thời gian này em mang thai nên tháng 12. 2010 em và các nhân viên khác đã về Việt Nam, còn em xin nghỉ việc không lương và chờ sinh con. Như vậy thời gian em làm nhân viên văn phòng đại diện ở UAE là 24 tháng, tuy nhiên em chỉ được trả lương 6 tháng đầu tiên. Từ khi em về nước (tháng 12.2010) đến nay, công ty chưa trả cho em thêm tháng lương nào mặc dù e đã gọi và liên lạc với Tổng giám đốc rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Tháng 5.2011, em sinh con ở quê nhà, công ty vẫn không giải quyết tiền lương và chế độ thai sản cho em mặc dù e có đóng bảo hiểm và đã gửi giấy khai sinh của con gái em ra công ty. Thời gian gần đây, do có mâu thuẫn giữa chồng em và Tổng giám đốc (tức là 2 chú cháu ruột) nhưng chưa giải quyết được nên Tổng giám đốc đã có hành động gửi công văn về cho gia đình em, UBND phường và Công an tỉnh, Công an Thành phố nơi bố mẹ em cư trú để thông báo về việc chồng em còn nợ tiền công ty, đề nghị các cơ quan này phối hợp thu hồi công nợ và truy tố nếu cần (chồng em có hộ khẩu thường trú ở Hà Nội, còn em vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú ở Hà Tĩnh cùng bố mẹ em). Trong khi đó, công ty đang nợ lương chồng em hơn 4 năm trời. Vì là người một nhà nên 2 vợ chồng em đã nể tình chú ruột làm TGD để bị chậm lương với thời gian nhiều như thế, tuy nhiên chú lại không nghĩ tới tình chú cháu mà gửi công văn tới những nơi không liên quan để làm cho gia đình bố mẹ em cảm thấy xấu hổ. Cùng làm việc tại Dubai với vợ chồng em còn có 2 nhân viên khác cũng bị chậm lương, 1 người đi làm nhân viên VPDD 12 tháng thì bị chậm lương 7 tháng, 1 người đi 23 tháng thì bị chậm lương cũng gần 12 tháng. Đến nay, cả 2 người này vẫn chưa được thanh toán thêm bất kỳ tháng lương nào dù đã về nước được 8 tháng và đã rất nhiều lần khiếu nại lên TGD và công đoàn. Cả 3 bọn em không vi phạm quy định gì của công ty. Nay em và 2 nhân viên kia muốn viết đơn khiếu nại về việc công ty không trả lương cho bọn em. Vậy em mong muốn luật sư tư vấn giúp bọn em một số vấn đề sau: 1. Cách thức, thủ tục và các giấy tờ cần thiết cho việc khiếu nại? 2. Đơn khiếu nại sẽ gửi lên cơ quan nào, phòng ban nào? 3. Công ty đang giữ bản gốc Bằng đại học của cả 3 bọn em, như vậy công ty có vi phạm pháp luật hay không và làm sao để lấy lại bằng? 4. Hành động gửi công văn về địa phương của TGD công ty như vậy là đúng hay sai, có vi phạm điều luật nào không? Tức là chồng vi phạm mà lại gửi công văn thông báo về gia đình và địa phương nhà vợ. Em đang rất hoang mang, lo lắng và mong nhận được phản hồi sớm của luật sư. Em xin chân thành cảm ơn nếu luật sư gửi phản hồi trực tiếp vào email của em: [email protected] .

Chào bạn!

Theo quy định của pháp luật thì người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng thời hạn và tại nơi làm việc. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 114/2002/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương: “Trường hợp đặc biệt quy định tại khoản 1 Điều 59 của Bộ luật Lao động là những trường hợp do thiên tai, hoả hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Lao động đã sửa đổi, bổ sung mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp nhưng không khắc phục được thì được phép trả lương chậm, nhưng không quá một tháng và phải đền bù cho người lao động như sau : 

1. Nếu thời gian trả lương chậm dưới 15 ngày, thì không phải đền bù.

 2. Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, thì phải đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.”

 Nếu việc trả lương chậm trong các trường hợp đặc biệt như thiên tai, hỏa hoạn hoặc lý do bất khả kháng khác theo quy định trên mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không khắc phục được thì được phép trả lương chậm, nhưng không quá một tháng và phải đền bù cho người lao động.

Trong trường hợp này thì việc trả lương chậm cho người lao động của công ty bạn là bất hợp pháp và công ty phải đền bù cho người lao động.

 Theo quy định tại Điều 158 BLLĐ năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 thì việc tiến hành giải quyết các tranh chấp lao động được tiến hành theo nguyên tắc sau:

“1- Thương lượng trực tiếp và tự dàn xếp giữa hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp;

2- Thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật;

3- Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật;

4- Có sự tham gia của đại diện công đoàn và của đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.”

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã liên lạc trực tiếp với Tổng Giám đốc nhiều lần mà chưa được giải quyết.  Vì vậy, bạn có thể gửi đơn lên Hội đồng hòa giải lao động cơ sở (được thành lập trong các doanh nghiệp có công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành công đoàn lâm thời) hoặc Hòa giải viên lao động (do cơ quan lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để tiến hành hòa giải). Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua Hội đồng hòa giải cơ sở hoặc Hòa giải viên lao động theo quy định tại Điều 165a BLLĐ năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007 như sau:

 “1. Thời hạn hoà giải là không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải;

2. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể cử đại diện được uỷ quyền của họ tham gia phiên họp hoà giải.

Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét.

Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành có chữ ký của bên tranh chấp có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản;

3. Trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều này mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.”

Sau khi hết thời hạn giải quyết theo trình tự, thủ tục như trên, tranh chấp giữa bạn và công ty chưa được giải quyết thì bạn có thế gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng.

Theo quy định tại Điều 35 BLTTDS năm 2004, bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nơi công ty có trụ sở để giải quyết tranh chấp lao động giữa công ty và bạn.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào