Muốn nhập khẩu vào hộ khác cần những thủ tục gì?
Theo trình bày của bạn, chúng tôi hiểu bạn cần được cung cấp thông tin về những hồ sơ cần thiết để gia đình em trai bạn nhập khẩu vào hộ khẩu của gia đình bạn.
Theo quy định tại Điều 19 Luật cư trú năm 2006 thì “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh đó. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.
Hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 35/2014/TT-BCA bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu;
- Bản khai nhân khẩu (đối với trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);
- Giấy chuyển hộ khẩu (đối với các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh; Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh);
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (Trường hợp chỗ ở hợp pháp do ở nhờ thì phải được người cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký thường trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu. )
Trường hợp có quan hệ gia đình là ông, bà nội, ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, cháu ruột chuyển đến ở với nhau; thì không phải xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Ủy ban nhân dân cấp xã) về mối quan hệ nêu trên.
- Giấy khai sinh đối với trẻ em;
Khi có đủ các giấy tờ nêu trên, bạn nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại Công an thành phố Biên Hòa.
Thư Viện Pháp Luật