Tai nạn giao thông nhưng không lập biên bản có phải bồi thường?

Vợ tôi đi xe máy, trên đúng làn đường dành cho xe thô sơ và xe máy trên cầu Vĩnh Tuy - Hà Nội. Sau đó không may có va chạm nhẹ vào đuôi một xe đạp của một người già đi phía trước. Ông già đó ngã ra, vợ tôi đã dừng lại gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện. Vụ va quệt không có biên bản, không gọi CSGT đến làm việc. Hôm sau người đó gọi điện thoại cho vợ tôi yêu cầu bồi thường 10 triệu đồng. Vợ tôi không đồng ý, ông ấy nói sẽ đưa vụ việc ra công an xử lý. Xin hỏi vợ tôi nếu không đồng ý tiếp tục bồi thường có sao không? Vì không có biên bản, không có người làm chứng xác định lỗi về bên nào vợ tôi có quyền từ chối bồi thường ngay từ đầu được không? Nếu mang nhau ra tòa về bồi thường chưa xác định được lỗi từ bên nào thì có cách nào để tránh phải bồi thường cho người đó không? Nếu bắt buộc phải bồi thường, bị vợ tôi va vào có phải chứng minh thiệt hại do tai nạn gây ra không?

Theo thông tin anh cung cấp, vợ anh gây ra tai nạn giao thông, gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác, do vậy sẽ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 605 Bộ Luật dân sự như sau: " 1. Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 2. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình. 3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường." Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2005: "1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại. 2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định". Trách nhiệm bồi thường thiệt hại Vấn đề bồi thường thiệt hại sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường. Để xác định trách nhiệm bồi thường, người khởi kiện cần chứng minh được hai vấn đề: - Có hành vi vi phạm xảy ra. - Có thiệt hại trên thực tế. Theo thông tin anh cung cấp, vợ anh gây tai nạn nhưng không thông báo cho công an, không có biên bản điều tra hiện trường nên rất khó để chứng minh có vi phạm xảy ra. Mặt khác, để yêu cầu bồi thường, người bị thiệt hại cần đưa ra các tài liệu (hóa đơn, thang bảng lương...) làm căn cứ xác định mức bồi thường. Anh chị có thể cân nhắc về việc thỏa thuận bồi thường cho người bị thiệt hại. Nếu không chấp nhận bồi thường, bên kia có thể khởi kiện vợ anh để yêu cầu bồi thường (như phần trên đã phân tích) bên có yêu cầu phải chứng minh có hành vi vi phạm và có thiệt hại xảy ra.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào