Khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú
Theo quy định của Luật khiếu nại năm 2011, thì công dân có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình; theo Luật tố cáo năm 2011, thì công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức
Khoản 1 Điều 39 Luật cư trú năm 2006 cũng quy định việc khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú được thực hiện theo quy định của Luật cư trú năm 2006, Luật khiếu nại năm 2011, Luật tố cáonăm 2011
Như vậy, theo quy định của Luật cư trú năm 2006, pháp luật về khiếu nại, pháp luật về tố cáo thì, công dân khi có căn cứ cho rằng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền khiếu nại; hoặc khi có căn cứ cho rằng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thì có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền
Trình tự, thủ tục khiếu nại của công dân đối với các vi phạm pháp luật về cư trú như sau:
- Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu: theo quy định tại các điều 9, 27, 28, 29, 30, 31, 32 Luật khiếu nại năm 2011 và Luật cư trú năm 2006 thì, trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày biết được cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có quyền trực tiếp đến hoặc gửi đơn khiếu nại với người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú có cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật đó.
- Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần thứ hai: trong thời hạn 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp thì không quá 45 ngày ( và 45 ngày đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn), kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại của mình không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà vẫn không đồng ý với việc giải quyết đó thì có quyền khiếu nại tiếp đến thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú đang quản lý trực tiếp người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, thủ trưởng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cấp trên trực tiếp. Khi khiếu nại lần tiếp theo thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại trước đó và các tài liệu liên quan ( nếu có ) cho người giải quyết khiếu nại tiếp theo
Theo Luật cư trú năm 2006 và Luật tố cáo năm 2011, trình tự, thủ tục tố cáo của công dân đối với các vi phạm pháp luật về cư trú như sau: khi có căn cứ cho rằng cơ quan đăng ký, quản lý cư trú, người làm công tác quản lý, quản lý cư trú, hộ gia đình, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú gây thiệt hại hoặc đe dọa gay thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thì công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục sau: trực tiếp đến tố cáo hoặc gửi đơn tố cáo đến người làm công tác đăng ký, quản lý cư trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nơi có hành vi vi phạm pháp luật về cư trú. Nếu quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết hoặc có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo với cơ quan đăng ký, quản lý cư trú cáp trên trực tiếp của người, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú đã giải quyết việc tố cáo.
Thư Viện Pháp Luật