Có được đứng tên chung sổ đỏ khi không phải vợ chồng không?
Vấn đề bạn hỏi, thực tiễn đã từng xẩy ra tranh chấp, việc chứng minh để đòi lại quyền lợi là rất khó, bởi lẽ vì là bạn bè quá tin tưởng nhau nên quá trình mua bán góp tiền mua đất không có giấy tờ biên nhận, nhà đất lại đứng tên một người, sau đó người ấy lại bán nhà đất. Do vậy, để tránh được mâu thuẫn xảy ra sau này, chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất: Trước khi ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ba bạn nên ký biên bản thỏa thuận về việc góp vốn mua đất, trong nội dung biên bản có nói rõ số tiền mua đất; số tiền cụ thể mỗi người đóng góp mua; quyền và nghĩa vụ các bên; cam kết về việc đứng tên; sử dụng; định đoạt. Biên bản này nên có người làm chứng;
Thứ hai: Cả ba bạn cùng có tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi ký công chứng xong thì các bên tiến hành thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, nếu đã ký được hợp đồng chuyển nhượng đứng tên ba bạn bên nhận chuyển nhượng thì không cần phải làm biên bản thỏa thuận nêu trên. Việc làm biên bản nêu trên chỉ đặt ra nếu mua chung đất nhưng chỉ đứng tên một người vì biên bản này là căn cứ để đòi lại quyền lợi nếu sau này người đứng tên bán mất tài sản.
Như vậy, việc các bạn cùng góp tiền mua chung đất thì sẽ được đứng tên đồng sở hữu trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do đó, không phải chỉ là vợ chồng mới được đứng tên chung. Việc vợ chồng đứng tên chung trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sở hữu chung hợp nhất còn việc sở hữu của các bạn là sở hữu chung theo phần.
Thư Viện Pháp Luật