Kéo dài việc ký hợp đồng lao động từng năm một có vi phạm?
Theo Điều 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9-5-2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động: khi hợp đồng lao động có thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký hợp đồng lao động mới. Trong thời gian chưa ký hợp đồng lao động mới, hai bên phải tuân theo hợp đồng lao động đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trường hợp ký hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn, thì chỉ được ký thêm một thời hạn không quá 36 tháng, sau đó nếu người lao động tiếp tục làm việc thì ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn; nếu không ký thì đương nhiên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Đồng thời, theo điểm 2 mục I Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTB&XH ngày 22-9-2003 của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, hợp đồng lao động xác định thời hạn đã ký kết trước ngày 1-1-2003 mà đến thời điểm đó đang còn hiệu lực thi hành, thì được tính là hợp đồng lao động thứ nhất.
Do đó, sau ngày 1-1-2003, khi hợp đồng lao động hết thời hạn, nếu tiếp tục ký hợp đồng mới là hợp đồng xác định thời hạn thì công ty chỉ được ký thêm 1 hợp đồng lao động xác định thời hạn. Nếu sau khi hợp đồng này hết hạn mà ông tiếp tục làm việc thì phải ký hợp đồng không xác định thời hạn; nếu không ký thì đương nhiên trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Trường hợp công ty lại tiếp tục thêm hợp đồng xác định thời hạn nữa thì được xem là trái với quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật