Về xử lý kỷ luật công chức
Theo quy định tại điều 9 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17-3-2005 của Chính phủ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 3 tháng, được tính từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật xác định cán bộ công chức có hành vi vi phạm kỷ luật cho đến thời điểm hội đồng kỷ luật họp. Trường hợp ông hỏi, bạn của ông đã bị tòa án đưa ra xét xử về tội đánh bạc. Do đó, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với bạn của ông được tính từ ngày bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật cho đến thời điểm hội đồng kỷ luật họp. Nếu vụ việc có những tình tiết phức tạp, cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hiệu xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 6 tháng. Quá thời hiệu xử lý kỷ luật thì chấm dứt việc xem xét kỷ luật cán bộ, công chức.
Cũng theo quy định tại điều 23 Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, thì hình thức hạ ngạch được áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật trong khi thi thi hành nhiệm vụ, công vụ mà xét thấy không đủ phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch đang đảm nhiệm; vi phạm nghiêm trọng những điều cán bộ, công chức không được làm.
Đồng thời, theo hướng dẫn tại mục 5 phần II Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08/02/2006 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, đối với cán bộ, công chức bị phạt tù cho hưởng án treo, thì Hội đồng kỷ luật căn cứ vào mức độ, tính chất vi phạm và kết luận của tòa án để kiến nghị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.
Vì vậy, đối với trường hợp của bạn ông, khi tiến hành họp xét kỷ luật, hội đồng kỷ luật sẽ xem xét và bỏ phiếu kín kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật. Nếu xét thấy cán bộ, công chức này không đủ phẩm chất, đạo đức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch đang đảm nhiệm thì có thể lựa chọn, để kiến nghị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật từ cảnh cáo đến buộc thôi việc.
Thư Viện Pháp Luật