Hành vi bỏ rơi con đẻ của mình
Điều 69 Luật Hôn nhân - Gia đình 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ “Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Căn cứ quy định Khoản 1 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 được hướng dẫn tại Điều 3 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì: “Cha, mẹ bỏ rơi con sau khi sinh, người giám hộ bỏ rơi trẻ em được mình giám hộ” là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm.
Hành vi bỏ rơi con của cha mẹ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ chăm sóc trẻ em, mức xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh; cha mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em không rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm trên còn buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm.
Như vậy, đối với hành vi bỏ rơi con sau khi sinh của người cha, mẹ trên có thể bị xử phạt hành chính với mức từ 10 - 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật