Những người buộc trẻ em đi ăn xin sẽ bị xử lý như thế nào
Theo Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22-8-2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì việc “Bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi” là hành vi vi phạm quyền trẻ em bị pháp luật cấm.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP ngày 29-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hành vi vi phạm quy định về lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn;
b) Cho thuê, cho mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn.
Ngoài ra, người nào có hành vi vi phạm trên còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại Khoản 3 Điều này.
Như vậy, đối với hành vi lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi như ép buộc trẻ em đi ăn xin của những cá nhân khác không phải là cha mẹ của trẻ em thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 - 15 triệu đồng. Trường hợp là cha mẹ của những đứa trẻ đó khi thực hiện việc cho thuê, cho mượn con của mình cho người khác đi ăn xin thì cũng bị áp dụng biện pháp xử phạt trên và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Thư Viện Pháp Luật