Bị chồng đánh đập có được về nhà không
Theo Điểm a, Điểm b, Điểm i, Khoản 1, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, các hành vi của chồng chị như đánh đập, đuổi vợ con ra khỏi nhà được xác định là các hành vi bạo lực gia đình. Theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 57 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12- 11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thường xuyên đe dọa bằng bạo lực để buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ.
Để giải quyết vấn đề của mình, chị có thể liên hệ với cơ quan công an gần nhất hoặc UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi gia đình chị sinh sống để được can thiệp và bảo vệ.
Trường hợp sau khi được chính quyền địa phương can thiệp, hòa giải mà chồng chị vẫn tiếp tục có hành vi đánh đập chị, đuổi chị ra khỏi nhà thì chị tiếp tục làm đơn trình báo sự việc chị bị chồng bạo hành đến Công an phường Tân Đông Hiệp hoặc UBND phường Tân Đông Hiệp để được can thiệp và bảo vệ.
Nếu chị muốn hàn gắn tình cảm gia đình, việc này còn phải xem ý kiến của chồng chị; chị cần lựa thời điểm thích hợp để trao đổi, khuyên nhủ chồng vì hạnh phúc của gia đình, vì tương lai của các con. Thực tế cho thấy những trẻ em thiếu tình thương của cha hoặc mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ, dễ dẫn đến việc trẻ bị mặc cảm với xã hội và vướng vào các tệ nạn xã hội.
Nếu chị thấy cuộc sống chung vợ chồng không thể kéo dài thì các chứng cứ về việc chồng chị có hành vi bạo lực gia đình (chẳng hạn như quyết định xử phạt vi phạm hành chính, biên bản hòa giải tại địa phương,…) là căn cứ để tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên (Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình).
Thư Viện Pháp Luật