Có được nâng lương khi không thoả thuận trong HĐLĐ?
Theo quy định tại điểm 4 Mục II Thông tư số 15/2001/TT-BTCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) thì người thực hiện chế độ hợp đồng tại đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng bảng lương hành chính do Nhà nước quy định để xếp lương theo ngạch; được nâng bậc lương theo thâm niên quy định; được hưởng các chính sách về BHYT, BHXH…
Tại số thứ tự 11, mục 5, Danh mục áp dụng bảng lương số 3, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ thì chức danh Y sĩ được xếp vào ngạch lương viên chức loại B. Thang lương viên chức loại B có 12 bậc: Bậc 1 hệ số 1,86; Bậc 2 hệ số 2,06… Bậc 11 hệ số 3,86; Bậc 12 hệ số 4,06. Chênh lệch hệ số giữa 2 bậc liền kề là 0,2.
Căn cứ điểm b2, khoản 1, Điều 7 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, các đối tượng xếp lương theo các ngạch loại B, loại C của bảng 2, bảng 3 và nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4, sau 2 năm (đủ 24 tháng) giữ bậc lương trong ngạch được xét nâng lên một bậc lương.
Ngày 1/6/2013, ông Nguyễn Thành Dương ký hợp đồng với Bệnh viện làm việc với chức danh Y sĩ, hưởng lương viên chức loại B, bậc 1, hệ số 1,86. Nếu trong thời gian làm việc theo HĐLĐ có thời hạn 36 tháng tại Bệnh viện, hằng năm ông Dương đều hoàn thành nhiệm vụ, không bị xử lý kỷ luật, thì đến ngày 1/6/2015 ông được xét nâng bậc 2, hệ số 2,06.
Mặc dù trong HĐLĐ đã ký giữa Giám đốc Bệnh viện và ông Dương không ghi cụ thể thời gian xét nâng bậc lương như hợp đồng mẫu, nhưng Bệnh viện có trách nhiệm xét nâng bậc lương cho ông Dương theo đúng quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật