Xác định công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập
Theo quy định tại khoản 4, Điều 11 Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/1/2010 của Chính phủ quy định những người là công chức, thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc Tổng cục, Cục và tương đương trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; tỉnh ủy, thành ủy; UBND cấp tỉnh; tổ chức chính trị – xã hội cấp tỉnh; huyện ủy, quận ủy, thị ủy, thành ủy thuộc tỉnh ủy; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là công chức.
Chuyển đổi giữa viên chức và công chức
Tại điểm đ, khoản 1, Điều 58 Luật Viên chức quy định: Công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không được bổ nhiệm lại nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó thì được chuyển làm viên chức và bố trí công tác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo khoản 4, Điều 42 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định: Cán bộ, công chức được điều động về làm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập khi có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật về viên chức.
Vấn đề bà Nguyễn Thị Sự hỏi, theo quy định của pháp luật về công chức, thì tại đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh chỉ có người đứng đầu đơn vị đó là công chức. Như vậy, tại Trung tâm Công nghệ thông tin (là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở) chỉ có Giám đốc Trung tâm là công chức.
Theo quy định của pháp luật về viên chức, nếu bà Sự được cấp có thẩm quyền điều động đến Trung tâm (đơn vị sự nghiệp trực thuộc) làm Giám đốc thì bà Sự là công chức. Hết thời hạn được bổ nhiệm mà bà không được bổ nhiệm lại, nhưng vẫn tiếp tục làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập đó, thì bà được chuyển làm viên chức.
Nếu bà Sự được điều động về Trung tâm làm việc mà không được bổ nhiệm làm Giám đốc đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đó, thì bà là viên chức.
Thư Viện Pháp Luật