Trường hợp nào được xét chuyển công chức không qua thi?
Theo quy định của pháp luật, viên chức khi được tiếp nhận, bổ nhiệm vào các vị trí việc làm được pháp luật quy định là công chức trong các cơ quan, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội thì phải thực hiện quy trình xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển theo quy định của pháp luật về công chức.
Điều kiện xem xét tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 19 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, được hướng dẫn cụ thể tại điểm b, khoản 1, Điều 10, Thông tư số 13/2010/TT-BNV như sau:
Người có kinh nghiệm công tác được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển, nếu có đủ các điều kiện, tiêu chuẩn sau:
– Bảo đảm các điều kiện đăng ký dự tuyển công chức;
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; hiện đang công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển; có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, sau đại học trong ngành, lĩnh vực cần tuyển (không kể thời gian tập sự, thử việc và nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn); Trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm c, khoản 2 Điều này.
Tại điểm c, khoản 2, Điều 10, Thông tư số 13/2010/TT-BNV quy định: Các trường hợp sau đây, có trình độ đào tạo từ đại học trở lên, có thời gian công tác liên tục (không kể thời gian tập sự, thử việc) từ đủ 60 tháng trở lên và trong thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu được xem xét tiếp nhận không qua thi tuyển theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều này thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức không phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch:
– Những người đã là cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thuộc ngành, lĩnh vực cần tuyển, sau đó chuyển sang công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước;
– Viên chức đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch trước ngày 1/7/2003;
– Những người đang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên trong doanh nghiệp nhà nước;
– Những người là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu.
Trường hợp ông Hoàng Mạnh Hùng phản ánh ông đã được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Bắc Mê là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) từ năm 1997, nhưng không nêu rõ ông được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch viên chức hay được tuyển dụng vào làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Đến năm 2011 ông được điều động sang công tác tại phòng Văn hóa Thông tin (cơ quan chuyên môn của UBND huyện Bắc Mê) là vị trí việc làm được pháp luật công nhận là công chức. Năm 2012, ông Hùng tốt nghiệp và được cấp bằng Đại học. Ông Hùng đã làm hồ sơ xin chuyển từ viên chức sang công chức theo yêu cầu của UBND huyện. Nhưng sau một thời gian thụ lý, Sở Nội vụ tỉnh Hà Giang đã trả lại hồ sơ cho ông Hùng với lý do mới tốt nghiệp Đại học chưa đủ 5 năm nên chưa được xét chuyển thành công chức.
Do thông tin ông Hùng cung cấp không rõ trước khi được điều động sang Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bắc Mê ông là viên chức hay người làm việc theo HĐLĐ tại đơn vị sự nghiệp công lập, nên luật sư nêu 2 tình huống áp dụng pháp luật để ông Hùng đối chiếu:
– Nếu ông Hùng được tuyển dụng, làm việc theo chế độ HĐLĐ từ năm 1997 tại Trung tâm Văn hóa Thể thao và Du lịch huyện Bắc Mê. Đến năm 2011 được điều động sang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin. Năm 2012, ông Hùng mới tốt nghiệp Đại học. Đối chiếu quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 10 Thông tư 13/2010/TT-BNV thì trường hợp ông Hùng chưa đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học, do vậy chưa đủ điều kiện xét chuyển thành công chức không qua thi tuyển.
– Nếu ông Hùng đã được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch viên chức từ năm 1997 hoặc từ trước ngày 1/7/2003 thì, mặc dù ông chưa có thời hạn từ đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học (vì ông Hùng mới tốt nghiệp đại học năm 2012), nhưng ông Hùng là viên chức đã được tuyển dụng và bổ nhiệm vào ngạch trước ngày 1/7/2003, vào thời điểm đề nghị xét chuyển thành công chức, ông đã có trình độ đào tạo đại học, có thời gian công tác liên tục (không kể thời gian tập sự, thử việc) trên 60 tháng và nếu thời gian công tác 5 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ông Hùng có thể đề nghị cơ quan quản lý công chức xem xét áp dụng quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 10, Thông tư 13/2010/TT-BNV để xét chuyển ông Hùng thành công chức mà không cần phải đợi đủ 60 tháng trở lên làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo đại học.
Thư Viện Pháp Luật