Cách xác định thời điểm xét nâng bậc lương
Ngày 31/7/2013, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2013.
Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và Mục I Thông tư số 83/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương và các chế độ phụ cấp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Chế độ nâng bậc lương thường xuyên
Về thời gian giữ bậc lương: Khoản 1, Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV quy định, thời gian giữ bậc để xét nâng bậc lương thường xuyên đối với các ngạch và các chức danh có yêu cầu trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên: Nếu chưa xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, thì sau 3 năm (đủ 36 tháng) giữ bậc lương trong ngạch hoặc trong chức danh được xét nâng một bậc lương.
Về tiêu chuẩn: Điểm a, khoản 2, Điều 2 Thông tư này quy định, cán bộ, công chức qua đánh giá đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau đây trong suốt thời gian giữ bậc lương thì được nâng một bậc lương thường xuyên:
– Tiêu chuẩn 1: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực trở lên;
– Tiêu chuẩn 2: Không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Trường hợp bà Trần Thị Thu Giang, tháng 11/2011 được Sở Công Thương nhận vào làm việc theo chế độ hợp đồng, hưởng 75% lương chuyên viên bậc 1, hệ số 2,34. Tháng 12/2011, bà thi tuyển công chức và trúng tuyển. Tháng 5/2012, Sở Công thương có quyết định tuyển dụng bà vào công chức. Tháng 11/2012, bà hết thời gian tập sự.
Căn cứ điểm a, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, trường hợp bà Giang được tuyển dụng vào công chức loại C (ngạch chuyên viên hoặc tương đương) thì thời gian tập sự được quy định là 12 tháng.
Căn cứ khoản 2, Điều 12 Thông tư số 13/2010/TT-BNV, thời gian người được tuyển dụng đã làm những công việc theo yêu cầu của ngạch công chức được tuyển dụng, có đóng BHXH bắt buộc được tính vào thời gian tập sự.
Theo đó, thời gian tập sự công chức của bà Giang được tính từ khi bà được Sở Công Thương nhận vào làm việc theo chế độ hợp đồng (tháng 11/2011) đến tháng 11/2012 là đủ 12 tháng. Căn cứ khoản 3 Điều 20 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP thì, thời gian tập sự không được tính vào thời gian xét nâng bậc lương.
Điều 23 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP quy định, khi hết thời gian tập sự, người tập sự phải báo cáo kết quả tập sự bằng văn bản; người hướng dẫn tập sự phải nhận xét, đánh giá kết quả tập sự đối với người tập sự bằng văn bản, gửi cơ quan sử dụng công chức. Người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Trường hợp người tập sự đạt yêu cầu của ngạch công chức đang tập sự thì có văn bản đề nghị cơ quan quản lý công chức ra quyết định bổ nhiệm và xếp lương cho công chức được tuyển dụng.
Thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên lần sau cho bà Giang được tính kể từ khi bà có quyết định bổ nhiệm và xếp lương công chức, sau khi đã hoàn thành chế độ tập sự (tháng 11/2012).
Căn cứ khoản 1, Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV đến tháng 11/2015 bà Giang sẽ có đủ 36 tháng giữ lương bậc 1 ngạch chuyên viên, đủ thời gian để xét nâng lương bậc 2 ngạch chuyên viên.
Thư Viện Pháp Luật