Xếp lương khi được bổ nhiệm công chức
Theo điểm a, khoản 1, Điều 11 Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ Nội vụ, việc xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc khi được tuyển dụng như sau:
Đối với trường hợp đang được xếp lương theo ngạch, bậc, chức vụ, cấp hàm theo bảng lương do Nhà nước quy định, mà bổ nhiệm và xếp lương vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở xuống, thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định xếp ngạch, bậc lương theo thẩm quyền và theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
Do Thông tư số 79/2005/TT-BNV không có quy định cụ thể trường hợp xếp lương khi bổ nhiệm ngạch công chức đối với người đang hưởng lương theo chế độ hợp đồng trong cơ quan nhà nước. Áp dụng tương tự trường hợp viên chức chuyên môn, nghiệp vụ trong công ty Nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định tại điểm a, Mục 9, Phần III, Thông tư số 79/2005/TT-BNV:
– Căn cứ vào hệ số lương theo chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác (gọi là hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm (ngạch tương đương hoặc ngạch thấp hơn so với ngạch cũ đã được xếp).
– Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch công chức, viên chức mới được bổ nhiệm được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch công chức, viên chức mới được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
Trường hợp ông Thanh, không nêu rõ trong thời gian làm việc theo chế độ hợp đồng chờ chỉ tiêu tuyển dụng công chức, ông được hưởng lương như ngạch chuyên viên, hay thoả thuận chỉ hưởng lương ngạch cán sự. Vì vậy, có hai trường hợp để ông Thanh đối chiếu:
Trường hợp thứ nhất: Khi vào làm việc ở cơ quan theo chế độ hợp đồng, ông Thanh được xếp, hưởng lương như ngạch chuyên viên. Thời điểm ngày 3/1/2012 ông đang hưởng lương cũ theo hợp đồng là bậc 1 chuyên viên, hệ số 2,34, khi bổ nhiệm công chức ngạch chuyên viên (mã ngạch 01.003) được xếp lương bậc 1, hệ số 2,34 (bằng với hệ số lương cũ).
Về thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch công chức được bổ nhiệm, do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch công chức mới được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ theo hợp đồng (2,34 – 2,34 = 0) nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ (0,33) thì thời gian nâng bậc lương lần sau được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ. Nếu thực hiện đúng hướng dẫn này, thì thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông Thanh được tính từ khi được xếp lương hệ số 2,34 theo chế độ hợp đồng.
Trường hợp thứ hai: Khi vào làm việc ở cơ quan theo chế độ hợp đồng, ông Thanh đã thoả thuận chỉ hưởng lương như ngạch cán sự. Thời điểm ngày 3/1/2012, ông đang hưởng lương cũ theo hợp đồng là bậc 1 cán sự hệ số 1,86, khi bổ nhiệm công chức ngạch chuyên viên (mã ngạch 01.003) được xếp lương bậc 1, hệ số 2,34 (cao hơn gần nhất với hệ số lương cũ).
Về thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch công chức được bổ nhiệm, do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch công chức mới được bổ nhiệm so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ theo hợp đồng (2,34 – 1,86 = 0,48) lớn hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ (chênh lệch giữa 2 bậc liền kề ở ngạch cũ = 0,2) thì ông Thanh được tính thời gian nâng bậc lương lần sau kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức (ngày 3/1/2012).
Thư Viện Pháp Luật