Biên chế rồi lại bị trường kí hợp đồng dài hạn, đúng hay sai?
Điều 2 Luật Viên chức 2010 quy định: “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”
Khoản 3 Điều 6 Luật Viên chức 2010 cũng quy định: “3. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và căn cứ vào hợp đồng làm việc.”
Như vậy, hợp đồng làm việc là cơ sở quan trọng để xác định chế độ làm việc và nghĩa vụ, quyền lợi của viên chức.
Khoản 1 Điều 43 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức quy định, việc tổ chức thực hiện ký kết hợp đồng làm việc đối với viên chức theo quy định tại Điều 59 Luật Viên chức như sau:
– Đối với viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tiến hành các thủ tục để ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định tại Khoản 2 Điều 25, Điều 26, Điều 28, Điều 29, Điều 30 Luật Viên chức và Khoản 2 Điều 18 Nghị định này, bảo đảm các quyền lợi, chế độ, chính sách về ổn định việc làm, chế độ tiền lương và các quyền lợi khác mà viên chức đang hưởng.
– Đối với viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 đến ngày 1/1/2012, căn cứ thời gian công tác; hợp đồng làm việc đã ký kết với đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn hoặc không xác định thời hạn đối với viên chức theo quy định của Luật Viên chức.
– Đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/1/2012, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc ký hợp đồng làm việc theo quy định tại Luật Viên chức.
Căn cứ các quy định nêu trên, việc trường CĐ ký HĐ làm việc với viên chức là đúng quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật