Quay lại phim khi đi xem ở rạp có phải là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ?
Việt Nam đã đáp ứng quy định về quyền tác giả và quyền liên quan trong TPP, nhưng cũng có những quy định trong TPP hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.
Đặc biệt, quy định về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không dựa vào việc liệu hành vi vi phạm có cố ý hay có quy mô thương mại hay không như quy định hiện nay của Việt Nam. Liên quan đến điều này, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hiện nay tất cả các vi phạm sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính. Nhưng khi tham gia TPP thì phải xử lý hình sự. Tùy theo mức độ của các hành vi vi phạm sẽ có biện pháp hành chính, cảnh cáo, phạt tù tương ứng.
Còn GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, sở hữu trí tuệ là vấn đề trọng đại khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại. Việt Nam sẽ rất khó thu hút đầu tư nước ngoài khi tham gia TPP nếu vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ không được xử lý nghiêm. Đây còn là bước tiến lớn để bảo vệ chính các sáng chế, phát minh trong nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đám phán TPP, việc cho phép xử lý hình sự các xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là cách tiếp cận đi xa hơn cách tiếp cận trong WTO, chỉ xử lý hình sự khi xâm phạm ở quy mô thương mại và thu lợi bất chính.
Như vậy, sau này, khi thực hiện TPP, những hành vi như xâm phạm thông tin quản lý quyền, công nghệ, xâm phạm tín hiệu vệ tinh, vào rạp phim quay camera,… mà có gây hại cho chủ thể sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, hay những hành vi vi phạm quyền sở hữu trị tuệ dù không thu lợi, không vì mục đích kinh doanh nhưng gây thiệt hại đáng kể cho chủ thể quyền thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu hình sự.
Thư Viện Pháp Luật