Phương thức xuất khẩu sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Trước khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều bước quan trọng, từ khâu tìm hiểu thị trường xuất khẩu phù hợp, ước tính nhu cầu cho tới khâu tìm kênh phân phối, tính toán chi phí và gây quỹ. Trong quá trình lên kế hoạch cho chiến lược xuất khẩu, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ khi cũng như tìm hiểu các cách thức mà quyền sở hữu trí tuệ có thể làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu.
Lý do cần bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu
Trước hết, cần phải hiểu quyền sở hữu trí tuệ mang tính “lãnh thổ”, nghĩa là các quyền này sẽ thuộc về doanh nghiệp tại quốc gia hay khu vực mà chúng được đăng ký và bảo hộ. Để có được các quyền độc quyền về sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp phải tìm kiếm và đạt được sự bảo hộ ở nước ngoài (trừ khi nó có được một cách tự động mà không cần phải tuân theo các thủ tục nào, ví dụ như thông qua một cơ chế điều ước quốc tế như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật).
Những lý do chính để bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các thị trường xuất khẩu bao gồm:
- Quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với sáng chế, có thể mở ra những cơ hội xuất khẩu mới.
- Quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp, có thể giúp doanh nghiệp phát triển lợi thế thị trường xuất khẩu.
- Quyền sở hữu trí tuệ làm tăng cơ hội chiếm lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu.
Phương thức xuất khẩu sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trong kinh doanh xuất khẩu, các doanh nghiệp có hai phương thức để xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình là xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu gián tiếp.
Xuất khẩu trực tiếp sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là nhà sản xuất thực hiện toàn bộ quá trình xuất khẩu, từ việc nhận biết khách hàng, bán hàng hóa sản phẩm, đến việc thanh toán. Thông thường trong những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu trực tiếp, một bộ phận chuyên công tác xuất khẩu sẽ được thành lập như lập các phòng ban.
Xuất khẩu gián tiếp sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là việc doanh nghiệp có dự định xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình, nhưng lại không có cơ sở hạ tầng và điều kiện, kiến thức cần thiết để thực hiện hoạt động xuất khẩu của mình, do đó phải thực hiện việc xuất khẩu thông qua các đại lý ủy thác, các văn phòng mua bán địa phương, các nhà xuất khẩu thương mại hoặc các công ty phát triển xuất khẩu.
Vấn đề về sở hữu trí tuệ thường xuất hiện trong các hoạt động xuất khẩu gián tiếp. Theo đó, nhà sản xuất và các bên khác phải xác định rõ về quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường xuất khẩu nhằm tránh tranh chấp sau này. Ngoài hai phương thức trên, các doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức khác để đạt được mục đích xuất khẩu hàng hóa sản phẩm của mình. Các lựa chọn bao gồm:
- Sản xuất hàng hóa trong nội địa và xuất khẩu hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ một cách trực tiếp hoặc qua trung gian, với điều kiện không một doanh nghiệp nào khác có thể sản xuất, bán hoặc khai thác hợp pháp sản phẩm tương tự tại thị trường đã chọn mà không được phép của chủ sở hữu. Lưu ý khi tuân theo các nghĩa vụ quốc tế của mỗi quốc gia, hầu hết các luật sáng chế đều không còn cho phép cấp li-xăng không tự nguyện với lý do các sản phẩm không được sản xuất trong nội địa quốc gia xuất khẩu.
- Chuyển quyền sử dụng sáng chế cho một công ty nước ngoài sẽ sản xuất hàng hóa đó tại nước đó, đổi lấy một khoản phí trọn gói và/hoặc phí bản quyền.
- Thiết lập liên doanh với các doanh nghiệp khác để sản xuất và/hoặc thương mại hoá sản phẩm đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại thị trường nước ngoài đã chọn.
Như vậy, tùy thuộc vào chiến lược xuất khẩu, mỗi doanh nghiệp sẽ có được các lợi nhuận gia tăng vừa qua kênh bán hàng trực tiếp, vừa qua các khoản phí và/hoặc tiền bản quyền từ việc chuyển quyền sử dụng sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, cho dù sử dụng bất cứ phương thức xuất khẩu nào và kinh doanh theo hình thức nào, doanh nghiệp cũng cần chú ý và quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ của họ tại các thị trường xuất khẩu để tránh các xung đột hoặc mất quyền sở hữu trí tuệ vào tay cá nhân, tổ chức khác hoặc đối thủ cạnh tranh.
Thư Viện Pháp Luật