Đăng tải video lên Youtube có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không?
Theo Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009), quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Khoản 3 Điều 17 Luật sở hữu trí tuệ quy định, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được bảo hộ nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;
- Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Như vậy, nếu chương trình mà độc giả đề cập đến thỏa mãn điều kiện trên sẽ được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, hành vi của độc giả bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quyền tác giả. Theo Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định, những hành vi xâm phạm các quyền liên quan của quyền tác giả bao gồm:
- Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
- Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
- Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
- Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
- Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
- Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Như vậy trong trường hợp của độc giả, việc chưa được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng nhưng lại đăng những video về phim hoạt được chiếu trên kênh VTV3 có liên quan đến vấn đề bản quyền đối với bên thứ 3 chính là các nhà đài đã mua hoặc tự sản xuất các chương trình đó để thu lợi nhuận.
Do đó việc độc giả làm đối tác cho Youtube và có đăng những chương trình đó lên và kiếm được tiền quảng cáo của Youtube trả cho hàng tháng là không đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ mặc dù nó không có nội dung đồ trụy hay phản động.
Đồng thời, việc độc giả vẫn đăng video lên và vẫn được trả tiền từ Youtube có thể do quá trình kiểm tra, rà soát chưa chặt chẽ hoặc có lỗi hoặc độc giả đã dựa vào các video gốc để chỉnh sửa và đăng lên để thu lợi nhuận. Nếu trong trường hợp bị khởi kiện vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, rất có thể độc giả sẽ bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính, hình sự phụ thuộc vào tính chất, mức độ xâm phạm.
Thư Viện Pháp Luật