Thẩm quyền xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường
Chính phủ vừa ban hành Nghị Định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài có hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định này hoặc các Nghị định có liên quan.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vự bảo vệ môi trường gồm cảnh cáo, phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng đối với cá nhân vi phạm và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Các hình thức xử phạt bổ sung được đưa ra như tước quyền sử dụng có thời hạn đối với các loại giấy phép, chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm; buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không đúng quy định về bảo vệ môi trường; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, máy móc, thiết bị phương tiện, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật phẩm, chế phẩm sinh học và phương tiện nhập khẩu, đưa vào trong nước không đúng quy định về bảo vệ môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường...
Thẩm quyền xử phạt vi phạm được quy định tại Mục 2 (từ Điều 50 -51 - 52 và Điều 53) của Nghị định trên, bao gồm: UBND; Công an; Thanh tra và lực lượng khác.
Thư Viện Pháp Luật