Việc áp dụng chế độ lương trong đơn vị sự nghiệp công lập
Để thống nhất thực hiện một chế độ tiền lương trong đơn vị sự nghiệp công lập đang tồn tại sử dụng 2 hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ quy định hệ thống thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương trong các công ty Nhà nước; theo luật sư, có thể vận dụng cách xếp lương đối với viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và nhân viên thừa hành, phục vụ trong công ty Nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước quy định tại điểm 9 Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ. Cụ thể:
Căn cứ hệ số lương theo chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ đang hưởng theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP (sau đây gọi là hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ) để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch viên chức theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP (ngạch tương đương hoặc ngạch thấp hơn so với ngạch cũ đã được xếp theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP).
Thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) ở ngạch viên chức được tính như sau:
Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được chuyển xếp ở ngạch viên chức so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày ký quyết định chuyển xếp vào ngạch viên chức; nếu nhỏ hơn chênh lệch giữa 2 bậc lương liền kề ở ngạch cũ thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.
Trường hợp ông Cái Minh Trung, đang hưởng lương cán sự (trình độ đào tạo trung cấp) bậc 9/12 hệ số 3,32 theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP thì chuyển xếp sang hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất là hệ số 3,46 (bậc 9/12) ở thang lương viên chức loại B, Bảng số 3, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2005/NĐ-CP là phù hợp.
Do chênh lệch giữa hệ số lương 3,46 (bậc 9/12) thang lương viên chức loại B (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) so với hệ số lương 3,32 (bậc 9/12) thang lương ngạch cán sự (theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP) là 0,14, nhỏ hơn chênh lệch giữa hai bậc liền kề ở thang lương ngạch cán sự, nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông Trung sau khi chuyển xếp lương, được tính kể từ ngày 1/1/2014 (ngày xếp hệ số lương 3,32 ở thang lương ngạch cán sự theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP), đến ngày 1/1/2016, ông Trung sẽ được xét nâng lên bậc 10/12 tháng lương viên chức loại B.
Thông tin ông Trung cung cấp không thể hiện việc ông Trung có trình độ đào tạo cao đẳng nhưng xếp, hưởng lương ở ngạch cán sự, nên không có cơ sở áp dụng Điểm 3, Khoản 2, Mục II Thông tư 80/2005/TT-BNV để chuyển xếp lương đối với ông vào thang lương viên chức loại A0 (có trình độ cao đẳng) theo Bảng lương số 3, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Nếu trong quá trình công tác ông Trung có sự thay đổi về trình độ đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng, hoặc ngay từ khi tuyển dụng ông đã có trình độ cao đẳng nhưng xếp lương theo ngạch cán sự, thì áp dụng Điểm 3, Khoản 2 Mục II Thông tư 80/2005/TT-BNV, đơn vị có thể kết hợp chuyển xếp lương đối với ông Trung vào hệ số bằng hoặc cao hơn gần nhất là 3,34, bậc 5/10 thang lương ngạch viên chức loại A0 (có trình độ cao đẳng) theo Bảng lương số 3, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP.
Ở trường hợp này, chênh lệch giữa hệ số lương 3,34 (bậc 5/10) thang lương viên chức loại A0 (theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) so với hệ số lương 3,32 (bậc 9/12) đang hưởng ở ngạch cán sự (theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP) là 0,02, nhỏ hơn chênh lệch giữa hai bậc liền kề ở thang lương ngạch cán sự, nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông Trung sau khi chuyển xếp lương, được tính kể từ ngày 1/1/2014 (ngày xếp hệ số lương 3,32 ở thang lương ngạch cán sự theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP), đến ngày 1/1/2017 ông Trung sẽ được xét nâng lương lên bậc 6/10 viên chức loại A0.
Thư Viện Pháp Luật