Thủ tục được công nhận là doanh nghiệp người khuyết tật để được hưởng miễn giảm thuế
Để được công nhận là doanh nghiệp người khuyết tật cần đáp ứng điều kiện cơ bản là sử dụng tối thiểu 30% người lao động là người khuyết tật trên tổng số lao động của cơ sở sản xuất, kinh doanh. Điều kiện này quy định tại Điều 34 Luật người khuyết tật số 51/2010/QH12 ban hành ngày 17 tháng 06 năm 2010.
Về thủ tục tiến hành công nhận một danh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng ưu đãi được quy định chi tiết tại Điều 4 Quyết số 697/QĐ-LĐTBXH ngày 03/05/2013 về bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Cụ thể:
- Trình tự thực hiện:
+ Lập hồ sơ và gửi hồ sơ về Sở Lao động TBXH;
+ Sở Lao động TBXH thẩm định điều kiện để được công nhận;
+ Sở Lao động TBXH ra Quyết định công nhận.
- Cách thức thực hiện: Trực tiếp tại Sở Lao động TBXH.
- Thành phần hồ sơ bao gồm:
+ Văn bản đề nghị Công nhận doanh nghiệp có người tàn tật tham gia cao hơn tỷ lệ quy định của Giám đốc doanh nghiệp;
+ Bản sao quyết định thành lập và giấy phép kinh doanh có chứng nhận công chứng Nhà nước;
+ Điều lệ hoặc Quy chế hoạt động của cơ sở đã được ban hành theo quy chế của pháp luật;
+ Danh sách cán bộ lãnh đạo của cơ sở gồm Giám đốc, phó Giám đốc, kế toán trưởng hoặc tương đương;
+ Danh sách lao động (hoặc học viên) đang sử dụng (hoặc đang học) trong đó ghi rõ danh sách người tàn tật có xác nhận của Phòng Lao động TBXH huyện, thị xã, thành phố.
- Số lượng hồ sơ: 03 (bộ).
- Thời hạn giải quyết: 15 ngày làm việc.
- Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Tổ chức.
- Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính:
+ Cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định: Sở Lao động TB và XH.
+ Cơ quan phối hợp: Phòng Lao động TBXH.
- Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
+ Giấy xác nhận của hội đồng giám định Y khoa về tình trạng khuyết tật. Đối với lao động là thương binh, bệnh binh phải có giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh.
+ Riêng người khuyết tật thuộc các dạng câm, điếc, mù, cụt, liệt, thiểu năng trí tuệ, dị dạng chỉ cần xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Thư Viện Pháp Luật