Hoạt động tư vấn pháp luật được thực hiện như thế nào?
Hoạt động tư vấn pháp luật được quy định tại Điều 28 và Điều 38 Luật trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH 11 ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2006, theo đó:
- Cách thức mà trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên, luật sư, tư vấn viên pháp luật thực hiện tư vấn pháp luật cho người được trợ giúp pháp lý là hướng dẫn, giải đáp, đưa ra ý kiến, cung cấp thông tin pháp luật, giúp soạn thảo văn bản liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Tư vấn pháp luật được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản; tư vấn trực tiếp, bằng thư tín, điện tín hoặc thông qua phương tiện thông tin khác; thông qua trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt chuyên đề pháp luật, câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các phương thức khác.
+ Đối với vụ việc yêu cầu tư vấn được chuyển đến bằng thư tín, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Tuy nhiên, việc tư vấn đối với vụ việc đơn giản và phức tạp có những điểm khác nhau cần lưu ý:
+ Với vụ việc đơn giản, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tư vấn ngay và ghi chép những nội dung chính trong phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý. Phiếu thực hiện trợ giúp pháp lý được lập thành 02 bản, một bản giao cho người được trợ giúp pháp lý, một bản được lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.
+ Với vụ việc phức tạp, cần có thời gian nghiên cứu, xác minh hoặc vụ việc thiếu những giấy tờ, tài liệu có liên quan thì người thực hiện trợ giúp pháp lý phải viết phiếu hẹn hoặc yêu cầu bổ sung các giấy tờ, tài liệu còn thiếu. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý vụ việc hoặc nhận đủ các giấy tờ, tài liệu cần bổ sung, người thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm nghiên cứu và trả lời bằng văn bản cho người được trợ giúp pháp lý; trong trường hợp vụ việc cần có thời gian để xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá ba mươi ngày.
Thư Viện Pháp Luật