Phụ cấp thâm niên khi chuyển từ trường dân lập sang công lập
Theo hướng dẫn tại các Điểm a, b, đ, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH ngày 30/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo được xác định bằng tổng các thời gian sau:
– Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập.
– Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đối với nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập mà trước đây đã giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập).
Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập và thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (nêu trên) không bao gồm thời gian không được tính hưởng phụ cấp thâm niên quy định tại Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP là:
– Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu.
– Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên.
– Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về BHXH.
– Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.)
Theo thông tin bà Hương cung cấp, xác định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của bà bằng tổng các thời gian sau:
Căn cứ Điểm b, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời gian giảng dạy có đóng BHXH bắt buộc của bà Hương tại trường THPT dân lập (cơ sở giáo dục ngoài công lập) từ tháng 9/2002 đến tháng 9/2003 (1 năm) được tính là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên .
– Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 15; Khoản 1 và Điểm a, Khoản 2, Điều 19 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tại thời điểm bà Hương được tuyển dụng vào làm giáo viên trường THPT Cửa Lò 2 thì việc tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp được thực hiện theo hình thức hợp đồng làm việc.
Người được tuyển dụng vào làm việc trong các đơn vị sự nghiệp phải thực hiện chế độ thử việc, trừ những người đã làm việc ở các cơ quan, đơn vị Nhà nước có cùng chuyên môn với ngạch được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp. Thời gian thử việc đối với người tuyển dụng sau khi ký hợp đồng làm việc lần đầu đối với viên chức loại A là 12 tháng. Theo đó, hợp đồng làm việc lần đầu của bà Hương có thời hạn 12 tháng bằng thời gian thử việc tương ứng với ngạch giáo viên trung học (mã ngạch 15.113).
Căn cứ Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP được hướng dẫn tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH thì thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu của bà Hương tại trường THPT Cửa Lò 2 (từ tháng 9/2003 đến tháng 9/2004) không được tính là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên.
– Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH, thời gian giảng dạy có đóng BHXH bắt buộc tại trường THPT Cửa Lò 2 (cơ sở giáo dục công lập) từ tháng 9/2004 đến tháng 9/2015 (11 năm) của bà Hương được tính là thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên.
Như vậy, đến thời điểm tháng 9/2015 tổng thời gian được tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo của bà Hương là 12 năm.
Căn cứ hướng dẫn tại Khoản 3, Điều 2 Thông tư số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH đến thời điểm tháng 9/2015 bà Hương được hưởng mức phụ cấp thâm niên tương ứng với thời gian 12 năm là 12%.
Việc trường THPT Cửa Lò 2 xác định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên, mức phụ cấp thâm niên đối với bà Hương là đúng quy định.
Thư Viện Pháp Luật